|
|
Tại phòng thí nghiệm Orfield Labs ở thành phố Minneapolis, có một căn phòng nơi sự im lặng vượt quá giới hạn nhận thức của con người. Địa điểm này có tên “buồng không dội âm", bởi tất cả âm thanh từ thế giới bên ngoài đều bị chặn lại và bất kỳ âm thanh nào tạo ra bên trong cũng bị khóa chặt.
Nhiều người cho rằng nơi đây yên tĩnh đến mức họ có thể nghe thấy chính máu của mình chảy trong cơ thể hay thậm chí "phát điên" bởi sự thiếu âm thanh tuyệt đối sẽ phá hoại nhận thức về không gian của con người.
Căn phòng gây “sốt”
Căn phòng này được quan tâm hơn trong thời gian gần đây, khi người dùng TikTok và YouTube truyền nhau rằng người ở lại trong căn phòng này một mình trong vài giờ sẽ nhận được giải thưởng lên tới 7 triệu USD. Điều này đã tạo ra một “cơn sốt” trên Internet.
|
Steven J. Orfield, nhà sáng lập Orfield Labs. Ảnh: Alec Soth. |
Orfield Labs sau đó đã liên tục nhận được những cuộc gọi và email từ những người muốn thử sức để giành được tiền thưởng. Phòng thí nghiệm sau đó khẳng định không có cuộc thi nào liên quan đến căn phòng này.
Tuy nhiên, sự bí ẩn của căn phòng tiếp tục khiến nhiều người tò mò. Vì vậy, công ty đã quảng cáo một dịch vụ có tên “Thử thách Orfield”. Theo đó, với 600 USD/giờ, mọi người có thể trải nghiệm căn phòng này và thử thiết lập kỷ lục mới. Hiện tại, thời gian lâu nhất một người ở trong căn phòng là 2 giờ.
"Chúng tôi nhận được hàng nghìn yêu cầu. Công chúng đến thăm phòng từ khắp nơi trên thế giới hầu như mỗi tuần và họ luôn hào hứng với trải nghiệm này", ông Steve Orfield, người đã xây dựng Orfield Labs và phòng chống dội âm của riêng mình, cho biết.
Năm 2004, Kỷ lục Guinness Thế giới đã chứng nhận buồng không dội âm tại Orfield Labs là nơi yên tĩnh nhất trên Trái Đất, với mức âm thanh đạt –9,4 decibel. Nhưng đến năm 2015, danh hiệu này lại thuộc về một căn phòng tương tự tại trụ sở chính của Microsoft ở thành phố Redmond, Washington.
Chúng tôi nhận được hàng nghìn yêu cầu từ khắp nơi trên thế giới
Steven J. Orfield, nhà sáng lập Orfield Labs
Theo kỷ lục Guinness chính thức, các thử nghiệm được thực hiện tại địa điểm này “cho kết quả đọc tiếng ồn trung bình là –20,35 decibel”, thấp hơn 7,35 decibel so với Orfield Labs.
Mặc dù thành tích của Microsoft được Guinness quảng cáo là “tăng nhận diện thương hiệu” cho các khách hàng doanh nghiệp, đại diện của Guinness đã phủ nhận rằng Microsoft đã tận dụng các dịch vụ họ để lập kỷ lục.
Mục đích của buồng không dội âm
Vào năm 1943, Quân đội Mỹ bắt đầu phát triển một thiết bị có tên gọi “Đội quân ma”. Đây là một hệ thống gồm những chiếc loa khổng lồ mạnh đến mức âm thanh phát ra có thể lừa đối phương rằng hàng nghìn lính Mỹ đang có mặt tại địa điểm đó.
Tuy nhiên, thiết bị này không thể được thử nghiệm bởi âm thanh quá lớn sẽ khiến người dân xung quanh hoảng sợ.
Vì vậy, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Điện âm của Đại học Harvard đã bắt đầu thử nghiệm gần 1.000 hình dạng và nguyên liệu để chọn một mẫu vật có khả năng hấp thụ âm thanh tốt nhất. Cuối cùng, các nhà khoa học đã chọn một tấm nêm làm bằng sợi thủy tinh.
|
Các nhà khoa học thử nghiệm một chiếc loa trong buồng không dội âm của Harvard vào năm 1948. Ảnh: Đại học Harvard. |
Buồng của Orfield Labs sử dụng vật liệu tương tự. Tất cả tường, nền nhà và trần nhà của buồng đều được lót bằng các tấm nêm sợi thủy tinh dày gần 100 cm. Tiếp đó, sáu mặt căn buồng được bọc bằng các tấm thép dày tới 10 cm. Ngoài cùng là một lớp bê tông dày 30 cm.
Kể từ đó, ông Orfield đã lắp ráp lại căn phòng và đưa nó vào sử dụng cho các khách hàng của mình. Theo ông, phòng chống dội âm thường được sử dụng để kiểm tra tiếng ồn và âm thanh phát ra từ nhiều loại sản phẩm với độ tin cậy khoa học cao.
Căn phòng sau đó đã thu hút nhiều loại hình kinh doanh và sản phẩm khác nhau đến thử nghiệm như máy khử rung tim y tế, máy theo dõi ngưng thở khi ngủ, máy trợ thính, van tim, thiết bị phụ tùng ôtô, máy tính và ổ cứng.
|
Buồng không dội âm tại Orfield Labs, căn phòng được mệnh danh là nơi yên tĩnh nhất trên Trái Đất. Ảnh: Orfield Labs. |
Trước khi những lời đồn đại về căn phòng không dội âm lan truyền trên khắp các nền tảng mạng xã hội, ông Orfield đã tổ chức các chuyến tham quan công cộng cho những người quyên góp 20 USD cho một kho thực phẩm địa phương.
Tuy nhiên, khi căn phòng trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới, ông đã quyết định sử dụng nó để kiếm tiền.
“Việc trở nên nổi tiếng mang lại khá nhiều phiền toái. Vậy nên chúng tôi đã quyết định thay đổi một số thứ sau khoảng 5 năm cho mọi người tham quan căn phòng gần như miễn phí”, ông Orfield cho biết.
Phá vỡ những tin đồn
Một số người tin rằng buồng không dội âm có thể khiến người bên trong phát điên bởi “thứ duy nhất bạn có thể nghe thấy là những âm thanh phát ra từ chính cơ thể bạn. Đó là tiếng của quần áo, tiếng thở, nhịp tim đập và thậm chí cả tiếng máu chảy trong não bộ”.
Cuối cùng, người tham gia sẽ hoảng loạn và mất thăng bằng, bởi môi trường im lặng tuyệt đối sẽ phá hoại nhận thức về không gian của con người.
|
Nhiều tin đồn cho rằng căn phòng này có thể khiến người bên trong phát điên nếu ở quá lâu. Ảnh: Orfield Labs. |
Theo các chuyên gia tại Orfield Labs, những căn phòng được đánh giá là siêu yên tĩnh thường mức độ ồn khoảng 20 – 30 decibel, cao hơn một chút so với ngưỡng nghe tối thiểu của của con người là 0 decibel. Một phòng đọc thư viện có âm lượng khoảng 40 decibel.
Căn phòng sẽ không khiến bạn phát điên trừ khi bạn có tiền sử mắc các bệnh về tâm thần
Tiến sĩ Barbara Shinn-Cunningham
Sau khi căn phòng của Orfield Labs trở nên nổi tiếng, tiến sĩ Barbara Shinn-Cunningham, giám đốc Viện Khoa học Thần kinh tại Đại học Carnegie Mellon, đã lý giải những tin đồn về việc buồng không dội âm có thể khiến người trải nghiệm “phát điên”.
“Câu trả lời là không, trừ khi bạn có tiền sử mắc các bệnh về tâm thần”, bà Cunningham khẳng định.
Tiến sĩ Oliver Mason, một nhà nghiên cứu về rối loạn tâm thần tại Đại học Surrey đồng thời là người đứng đầu các nghiên cứu theo dõi trải nghiệm của con người trong buồng không dội âm cũng đã phủ nhận những tin đồn này.
Theo ông Mason, tuy việc bị cô lập trong một căn phòng im lặng tuyệt đối sẽ không khiến con người phát điên, trong một số trường hợp, việc các đối tượng nghiên cứu nhìn thấy ảo giác có thể xảy ra.
"Não người vốn luôn cố gắng phân biệt môi trường xung quanh bằng tri giác. Vậy nên khi tất cả tri giác bị tước đi, bộ não sẽ cố gắng tự tạo ra một tín hiệu nào đó giúp chúng ta bảo vệ bản thân", ông Mason giải thích.
Theo ông, ngay cả khi đối tượng không có tiền sử bệnh tâm thần, ảo giác sẽ xuất hiện ở một vài người nhanh hơn rất nhiều so với những người khác.
"Kết quả thí nghiệm cho thấy, đa phần một người chịu được khoảng 20 phút trong môi trường im lặng tuyệt đối. Những cá nhân có tiền sử “rối loạn tri giác” thường nảy sinh hoang tưởng, ảo giác trước những sự việc chưa từng xảy ra", tiến sĩ tiếp tục.
(Theo Zing)
" alt=""/>Căn phòng im lặng nhất Trái Đất có thể khiến người bên trong phát điên