Chị Trần Thị Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm SaigonDance, mới đây chia sẻ về hành trình gian nan tìm đường trở về Việt Nam, sau khi cơn đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội khắp thế giới. Chị Ngân rời Việt Nam ngày 19/1, trước thời điểm Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Chuyến đi của chị kéo dài từ Canada qua một loạt quốc gia ở Nam Mỹ như Argentina, Brazil, Peru, Bolivia. Đến ngày 15/3, vừa đặt chân đến biên giới Bolivia sau 3 ngày không có sóng Internet, thấy các bạn cùng tour náo loạn, chị mới biết Peru sắp đóng biên giới trong vài giờ nữa. Chị Ngân lập tức tìm mua vé trở về Việt Nam, nhưng hoàn cảnh liên tục thay đổi khiến mọi dự định của chị bị đảo lộn.Dưới đây là những ngày vật vã giành tấm vé “vàng” trở về Việt Nam qua lời kể của chị Ngân:
16 giờ căng não tìm đường bay
Ngày 16/3, đang mơ màng trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê ngắn ngủi sau chuyến đi dài thăm sa mạc muối Uyuni, mình dồn dập nhận tin nhắn từ bạn mình - Tiến và Mập, hối mua vé về. Tiến tìm được 1 tấm vé tốt, mình liền nhờ Tiến mua ngay kẻo nhỡ. Sau khi nhận vé, mình mới té ngửa Tiến mua nhầm ngày 18/10. Vì đặt qua trang Tripair nên vé chưa xuất. Hai chị em chia nhau liên lạc gấp, hi vọng chưa xuất vé thì sẽ không bị đền tiền nhiều, nhưng chạy hết các cửa vẫn không được.
Mình lúc đó đang ở Sucre, không có sân bay quốc tế. Mình buộc phải bay ra một sân bay quốc tế ở Bolivia, sau đó trung chuyển đến một cảng bay quốc tế lớn ở Nam Mỹ và một điểm nối lớn hơn nữa, thường là ở Mỹ, châu Âu hoặc Doha, Dubai trước khi về thẳng về Việt Nam. Tóm lại, mình sẽ phải bay ít nhất 4 - 6 chặng mới về được Việt Nam.
|
Chị Ngân. Ảnh: Facebook nhân vật |
Sơ sơ, để mua được 1 vé máy bay về lúc đó, mình sẽ phải trả lời được một số câu hỏi, bao gồm: Liệu các điểm mình đi qua có cần visa quá cảnh hay không? Quốc gia đó đóng cửa sân bay chưa? Thời gian quá cảnh có đủ để làm thủ tục không?... Ngoài ra, trong trường hợp của mình lúc đó, vé lẻ thì dễ bị lỡ chuyến bay, vé nối chuyến qua hãng thì hiếm có khó tìm, còn vé nối chuyến qua đại lý thì không kịp kiểm tra chính sách vé và độ tin cậy. Mình khi đó rất cần chuyến bay cất cánh sớm nhất, ít lần quá cảnh và về nước nhanh nhất có thể. Nói vậy để biết công đoạn kiếm vé máy bay lúc đó của mình căng thẳng dường nào.
Sau một hồi đào bới, mình thống nhất với Mập sẽ mua vé rời của Qatar Airways đi từ Sao Paulo - Qatar - TP. HCM ngày 19/3. Mua xong, cả hai lao chia nhau tìm vé đi Sao Paulo. Mình nhập thông tin chuyến từ Sucre lên Santa Cruz (Bolivia), còn Mập nhập vé từ Santa Cruz qua Sao Paulo (Brazil). Sau khi nhập xong thì cùng hẹn bấm nút mua. Đen đủi thay! Mình mua được vé lên Santa Cruz, nhưng vé đi Sao Paulo thì không kịp. Tìm mãi cũng không còn vé nào kịp bay ngày 19 nữa. Hai đứa tẽn tò...
Trong lúc đó, mình lại phát hiện ra visa Brazil hết hạn vào ngày 17/3. Vì chủ quan, nên mình đã không kiểm tra Brazil yêu cầu visa quá cảnh hay không trước khi mua vé. Hốt hoảng, mình đăng trường hợp của mình lên diễn đàn du lịch nhờ tư vấn. Người thì nói không cần visa quá cảnh, người khẳng định không có visa quá cảnh thì không đi được, người thì bảo nếu vé nối chuyến thì không cần visa quá cảnh…
Sau vài chặng bắt chụp không kịp vé vì hệ thống hết vé liên tục nên mình không mua được vé từ Santa Cruz sang Sao Paulo và vì mình không thể xác định được cần hay không cần visa quá cảnh Brazil, mình quyết định mua 1 vé nối chuyến từ đại lý. Mình lên ứng dụng tìm, vậy mà chọn tất cả các ngày 17 - 19 đều không có chuyến, hoặc cứ có chuyến thì nhập thông tin xong lại hiện ra thông báo: "Xin lỗi quý khách...:. Cuối cùng, mình mừng húm vì tìm được chiếc vé nối chuyến sớm nhất từ Santa Cruz qua Sao Paulo, Qatar và về TP.HCM, của hai hãng hàng không Latam và Qatar. Thời gian quá cảnh ở Sao Paulo là 21 tiếng.
Niềm vui chưa tày gang khi mình phát hiện trên Facebook có trang về Gotogate với rất nhiều bất bình la ó. Gotogate là đại lý mình vừa mua vé. Nhưng mình không thể lại tiếp tục mua vé mới và hủy vé cũ. Vì mình không chắc Gotogate có hoàn tiền lại cho mình không, nên nếu mua tiếp vé khác, lỡ không bay được thì tiền bạc mình sẽ cạn kiệt. Mình phải tính đến phương án kẹt lại không bay được thì mình cũng còn tiền để sống, chứ không thể nào đi ăn xin ở nước người ta được. Bolivia không có sứ quán Việt Nam để mà bám víu đâu. Thôi! Bay được thì bay, không thì ở lại với Bolivia vậy!!!!
Quá trình mua vé của mình kéo dài 16 tiếng. Điện thoại nóng rực. Quần nát các trang Skyscanner, Wego, Google Flights và các web Qatar, American Airlines.... xem hàng trăm chuyến bay, mua hụt hàng chục chuyến. Ba con người hùng hục mắt không rời khỏi màn hình nửa giây... Rã rời, mắt khô khốc như có các tia máu rỉ ra...
Dồn dập thông báo bất ngờ
Thêm một đêm hãi hùng mất ngủ, sáng ngày 17/3 mình lảo đảo kéo hành lý ra sân bay. Đang toan mở cửa thì chị L - bạn trên diễn đàn du lịch gọi đến. Chị khẳng định chuyến bay 19/3 mình mua trực tiếp từ Qatar Airways sẽ không thể bay được. Mình cần hủy ngay vé đó, vì không có visa Brazil thì không thể đi tiếp. Chị bảo lên Santa Cruz rồi kiếm cho mình vé khác đi tiếp.
|
Sân bay Frankfurt (Đức) vắng vẻ do dịch Covid-19. Ảnh: Facebook nhân vật |
Mình nghĩ, không hủy thì cũng chỉ mất tiền là cùng nếu xui. Còn hủy rồi thì nếu mất cơ hội đi sẽ không bao giờ có được. Cứ để đó, tới sân bay đầu kia hỏi trực tiếp hãng bay xem có thể sang Sao Paulo bằng vé rời không. Nếu họ đồng ý thì mình kiếm vé đi luôn, bằng không hủy cũng chưa muộn. Vậy là mình bắt xe đi sân bay với 2 cái vé trong tay. Trên đường đi, mình tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phòng khi hữu sự.
Khác với tin đồn, sân bay vắng tanh. Ngồi chờ suốt 3 tiếng, mình không dám ngủ. Lên máy bay một mình rộng thênh thang cũng không dám ngủ luôn. Cuối cùng, mình cũng tới Santa Cruz. Mặc dù là sân bay quốc tế, nhưng Santa Cruz rất nhỏ. Kiếm không ra đại diện hãng bay nào để hỏi vé đi Sao Paulo và có cần visa quá cảnh hay không, mình quyết định hủy chiếc vé ngày 19/3 và ra ngoài kiếm chỗ nghỉ.
Về tới nơi nghỉ, mình lại choáng váng khi biết Bolivia sẽ phong tỏa sau 72 giờ nữa nhưng không nói rõ tính từ lúc nào. Sau một hồi bấn loạn gọi khắp Gotogate, Latam nhưng không ai phản hồi, mình trấn tĩnh và suy đoán lệnh phong tỏa có thể có hiệu lực từ 16h ngày 20/3, còn chuyến bay của mình là vào 2h25 sáng cùng ngày, nên trong lòng cũng thấy đỡ lo hơn.
Ngày 18/3, sau một giấc ngủ dài, mình nhận được tin nhắn Facebook từ chị L gửi cho mình hình chụp tin của một bạn nói rằng Qatar Airways ngừng vận chuyển hành khách mọi quốc tịch vào Việt Nam kể từ 0h ngày 20/3. Mình lục tung Facebook, tất cả các diễn đàn, website Qatar Airways, gọi cho đường dây nóng... nhưng không tìm được một chút thông tin liên quan việc hủy chuyến. Mình vô cùng hoang mang, không biết tin vào đâu. Vé rời mua trực tiếp từ Qatar Airways về Việt Nam trong ngày 19/3 thì vừa hủy mất tiêu....
Cũng không thể làm gì tốt hơn lúc này, vì mọi đường bay gần như đã ngưng nhận khách. Các quốc gia Bolivia, Peru, Columbia, Ecuador, Chile... đều đã có kế hoach đóng biên. Mọi cửa ngõ dường như đang đóng sầm trước mặt mình. Với hi vọng cuối cùng, mình lao đến lãnh sự quán Brazil vì còn 2- 3 tiếng nữa họ đóng cửa. Mình khẳng định chỉ quá cảnh ở đó 21 tiếng và không vào nội địa nhưng người ở văn phòng vẫn khẳng định phải có visa.
Chạy đua với thời gian
Theo hướng dẫn của anh nhân viên lãnh sự quán Brazil, mình ba chân bốn cẳng chạy tới ngân hàng để nộp phí, photo visa Bolivia, in sao kê giao dịch ngân hàng trong 3 tháng gần nhất. Tất cả mình chỉ được làm vỏn vẹn trong 1 tiếng. Đến được ngân hàng thì chị Hạnh (Đại sứ quán Việt Nam ở Brazil) gọi cho biết Bộ Ngoại giao Brazil trả lời không cần visa. Không lâu sau, mình nhận thêm được thư phản hồi của sứ quán Brazil tại Việt Nam, khẳng định không cần visa nếu quá cảnh dưới 24h.
Hội ý nhanh với chị Hạnh, mình quyết định không nộp phí nữa. Mình cũng từ bỏ luôn ý định sẽ tìm kiếm các chuyến bay khác, bởi vì mình nghĩ nếu như Qatar Airways đóng đường bay về Việt Nam mà không rõ nguyên nhân thì việc bất ngờ đóng các đường bay khác hoàn toàn có khả năng xảy ra, nên mình không cố công mua vé khác nữa.
Hết tìm mua vé, mình và Mập quay sang dán chặt mắt vào màn hình xem tình trạng đặt chỗ của mình trên web Qatar Airway hủy chưa. Mập thì vẫn kiên trì gọi Gotogate và Qatar Airways để hỏi các phương án có thể xảy ra. Tính cả đến trường hợp xem nếu mình không bay được mà tắc lại ở Bolivia thì mình sẽ làm gì để sống? Nếu mình bị bỏ rơi ở Sao Paulo thì trách nhiệm thuộc hãng bay hay Gotogate?...
Dường như rớt lại Bolivia là lựa chọn an toàn nhất, vì thời điểm đó Bolivia chỉ mới có 6 trường hợp bị nhiễm. Dù vậy, chính phủ nước này đã có những hành động quyết liệt như đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa, nên khả năng nhiễm bệnh sẽ ít hơn Sao Paulo hay Mỹ. Ngoài ra, giá cả ở Santa Cruz không cao, mình có thể yên tâm sống cả tháng trong lúc chờ đợi. Nỗi lo là Santa Cruz hoang tàn, cũ kĩ, nên mình nghĩ trình độ y tế ở nơi đây không cao. Vì lẽ đó, mình vẫn quyết tâm trở về. Dù chỉ còn 1% hi vọng, mình cũng phải trở về.
Kể từ ngày 19/3, chính phủ sẽ siết chặt lệnh phong tỏa, ai ra đường sau 17h sẽ bị phạt nặng. Bởi vậy, dù chuyến bay cất cánh lúc 2h25 sáng 20/3, nhưng mình phải rời khỏi nhà từ 15h30 ngày 19/3. Rất nhiều người ra sân bay sớm như mình. Mình kiếm được góc trống ở một quầy bán hàng đóng cửa, cách xa mọi người. Mình nằm dài ra nền nhà và chờ đến khi lên máy bay trong lo lắng. Lúc này IATA vẫn cập nhật chuyến bay của mình qua Sao Paulo và Qatar về Việt Nam chưa thuộc diện cách ly bắt buộc.
|
Thông báo từ chối bay của Qatar Airways. Ảnh: Facebook nhân vật |
Bị bỏ rơi ở Sao Paulo
Qatar Airways từ chối vận chuyển mình với lý do không hề thuyết phục. Mình bị Qatar Airways bỏ rơi tại sân bay GRU Sao Paulo suốt hơn 40 tiếng đồng hồ, cộng thêm hơn 20 giờ nối chuyến trước đó cũng tại GRU là 60 tiếng, trong điều kiện không được tắm rửa, không có quần áo ấm khi nhiệt độ sân bay hơn 10 độ C, không có chỗ nằm ngủ và mình không thể ăn được thức ăn ở đây. Trên hết là nỗi sợ tột cùng khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Mình không thể quay về nơi xuất phát vì Bolivia đóng biên giới ngay khi mình rời đi. Mình không thể vào Brazil và việc xin visa khẩn cấp gần như là không thể do Chính phủ Brazil siết chặt nhập cảnh của người nước ngoài, và mình khó có thể trở về nhà trong bối cảnh rất nhiều rủi ro bị tắc lại đâu đó trên đường đi.
Qatar Airways quyết định dừng đường bay Qatar – Việt Nam trước ngày 18/3, trong khi chuyến bay đầu tiên của mình bắt đầu lúc 2h25 sáng 20/3. Họ hoàn toàn có đủ thời gian để thông báo cho mình, nhưng họ không làm. Mình liên lạc qua điện thoại, Qatar Airways không bắt máy. Hãng cũng không gửi thư báo hủy chuyến. Mình kiểm tra trên trang web của hãng thấy lịch đặt chỗ vẫn xác nhận, trên Flightdata.... thấy chuyến bay của mình không bị hủy. 23h30 ngày 19/3, tại quầy check-in chặng đầu tiên do Latam tổ chức, mình yêu cầu kiểm tra một lần nữa về tin đồn hủy chuyến này, nhân viên không nhận được thông tin nào của Qatar Airways nên vẫn cho mình lên máy bay bình thường.
Tại sân bay Sao Paulo, Qatar Airways từ chối vận chuyển mình. Họ khẳng định lỗi thuộc về phía Việt Nam khi đưa ra quyết định cắt đường bay quá gấp, khiến họ không đủ thời gian để thông báo cho mình, lúc sau nhân viên Qatar lại nói rằng Việt Nam không cho mình nhập cảnh. Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm bay, Việt Nam chỉ dừng tiếp nhận khách nước ngoài, vẫn tiếp nhận người Việt. Trên trang web của sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22/3 (là ngày lẽ ra mình về đến Việt Nam), rất nhiều chuyến bay vẫn cập cảng.
Ngày 21/3, mình được hứa chờ ở cửa 331, lúc 22h30 để nhận thẻ lên máy bay từ quản lý của Qatar Airways và mình đã có mặt suốt từ 21h - 23h30 nhưng không ai đến. Sát giờ bay mình, lại tiếp tục bị từ chối bay, với lý do là bộ phận nhập cảnh đã nhận thông tin về trường hợp của mình và từ chối tiếp nhận hộ chiếu Việt Nam. Mình yêu cầu bằng chứng về việc từ chối tiếp nhận thì họ không đưa ra được. Mình đưa công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil cho phép mình được bay, họ vẫn từ chối.
Sau khi mình giải thích về ý nghĩa và tính pháp lý của công hàm, yêu cầu Qatar Aiways thực hiện, thì nhân viên Qatar Airways mới bắt đầu hội ý với Latam. Cùng với những bằng chứng từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, Tổng cục Hàng không dân dụng, website sân bay Tân sơn Nhất, Flightdata, IATA... mà mình đưa ra, cuối cùng, 5h sáng 22/3, Qatar Airways đã đưa cho mình một chiếc vé mới nhưng không kèm bất kì lời xin lỗi về nguyên nhân hủy bay không đúng hay bồi thường nào cho suốt thời gian họ bỏ rơi mình ở sân bay Sao Paulo dưới điều kiện sống tồi tệ.
Cầm vé mới từ Sao Paulo về Frankfurt (Đức) bởi Lufthansa, nối chuyến bởi chuyến VN-30 của Vietnam Airlines, dù sao thì mình cũng quá mừng vì có đường để trở về. Vé này do Latam truy cập hệ thống nội bộ giữa các hãng tìm cho, mà lại là chuyến bay cuối của Vietnam Airlines về Việt Nam nên mình tin chắc là sẽ về được. Sau 6 ngày vật lộn, lần đầu tiên mình mới có được cảm giác yên tâm đến thế... Mình chìm vào giấc ngủ, chỉ 3 tiếng thôi mà như tái tạo được tất cả mạch thần kinh bị đứt mấy hôm nay. Mình kiếm đồ ăn, vệ sinh mặt mũi và tám chuyện với lũ bạn, rồi lết ra cửa Lufthansa hay khởi hành và... ngủ tiếp.
|
Chiếc máy bay của hãng Lufthansa đưa chị Ngân rời Sao Paulo. Ảnh: Facebook nhân vật |
Kịch tính tới phút cuối cùng
Chuyến bay của mình khởi hành lúc 18h45 ngày 22/3. Khoảng 15h, mình giật mình thức giấc thấy điện thoại có hàng chục cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của Mập, giục mình check-in. Mình còn đang lơ ngơ thì Mập gọi đến báo, tên trên trang web của Lufthansa là của một người khác, bảo mình phải gặp nhân viên check-in để sửa. Trời ơi! Làm sao mà ra được cơ chứ? Mình đang ở khu chờ lên máy bay, muốn tìm nhân viên Lufthansa thì phải ra ngoài nhưng mình không được phép vì mình không có visa. Nếu chờ đến khi nhân viên Lufthansa có mặt thì mọi thứ đã trễ.
Mình chạy ra cửa an ninh với hi vọng mong manh ai đó tốt bụng sẽ cứu nguy mình. Trước đó, trong suốt 40 tiếng mắc kẹt ở đây mình đã chạy ra chạy vào khu vực này, thậm chí có lúc khóc um lên khi thấy cô đơn và bất lực, nên không ai không biết. Sau khi trình bày, mình được một chị nhân viên khoảng 50 tuổi hỗ trợ nhiệt tình, vì chị đã thấy mình quanh quẩn ở đây 3 ngày nay. Chị chạy đi chạy lại, hết gặp người này đến gọi điện thoại cho người kia để tìm cách giúp mình. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua và mình không thể làm gì hơn, chỉ đứng như trời trồng dõi theo từng việc làm của chị, mong ngóng điều tồi tệ nhất sẽ không xảy ra.
Rồi chị trở lại và dẫn mình ra một góc ở khu an ninh và bảo ngồi đó chờ 30 phút, người của Lufthansa sẽ đến. Khoảng 20 phút sau, một người đàn ông trên 40 tuổi cầm theo bộ đàm đi tới. Anh lấy hộ chiếu, vé, tag hành lý và hình chụp check-in của mình để gọi ra cho người của Lufthansa. Trong lúc điện đàm, lâu lâu anh lại quay sang hỏi mình mấy câu kiểu như nguy cơ mình không bay được, như: “Vé này chị lấy đâu ra?”, “Ai xuất cho chị”, “Hãng báo không thấy tên chị”... làm mình vô cùng lo lắng. Sau khoảng 15 phút điện đàm căng thẳng bằng tiếng Bồ Đào Nha, anh báo mình được lên máy bay và anh sẽ đưa mình ra cửa bay.
Anh dẫn mình lại cửa 308 và dặn dò mình mấy việc trước khi đi bằng ánh nhìn trìu mến. Mình hồi hộp chờ cho đến khi thấy nhân viên Lufthansa mở cổng và đưa cho mình thẻ lên tàu. Đang ngồi chờ lên máy bay, mình rụng rời khi loa phát thanh nhắc rõ tên mình mồn một. Mình hớt hải chạy lại quầy, không biết lại chuyện gì nữa đây, thì ra là mình phải kí vào giấy vận chuyển cái hành lý kí gửi. Mình thở phào: "Anh làm tôi hết hồn. Giờ mạng sống của tôi là quan trọng nhất. Anh cứ đưa tôi về được Việt Nam là ok. Hành lý anh bỏ luôn cũng được". Anh cười hiền: "Lufthansa sẽ đưa chị về an toàn". Nghe sao mà ấm lòng!
Trên chuyến bay từ Sao Paulo về Frankfurt, hàng ghế dưới có cặp người Đức không mang khẩu trang thi thoảng húng hắng ho. Nguyên cả khoang có khoảng 8 - 10 người ho khan và đến 60% không mang khẩu trang. Cả ê-kíp tiếp viên không có bất kì biện pháp phòng hộ nào. Mình ngồi im re một chỗ không hó hé, quyết không đi toilet suốt 12 giờ bay. May quá, vì đằng đẵng suốt hai tuần ngủ cực ít, gần như mất ngủ nên mình ngồi xuống là ngủ như chết mãi đến khi tiếp viên lại nhắc chuẩn bị hạ cánh mình mới giật mình tỉnh giấc....
Mình là người đến sớm nhất ở cửa lên máy bay, sân bay Frankfurt. Lần lần từng người một xuất hiện. Đồng bào mình đây cả rồi. Mình đã nghe thấy tiếng Việt thân thương đây rồi. Cho đến khi mình bước lên chuyến bay, nhìn thấy tiếp viên Vietnam Airlines kín bưng từ đầu xuống chân, mình mới thấy được an tâm bảo vệ. Ai ai cũng khẩu trang, mắt kính, bao tay và cả đồ bảo hộ. Suốt chuyến bay mình cứ thao thức và mơn man nghĩ về những kinh hoàng đã trải qua. Chỉ còn ít tiếng nữa thôi... mình sẽ về đến đất mẹ.
|
Thẻ lên máy bay của chị Ngân ở chặng cuối từ Frankfurt (Đức) về Việt Nam. Ảnh: Facebook nhân vật |
Đất mẹ dấu yêu
Vừa bước chân đến sân bay Cần Thơ, toàn bộ khách được khử trùng từng người một. Sau khi khai báo y tế, mình lại một lần nữa ngạc nhiên thấy toàn bộ nhân viên ở đây, từ cán bộ y tế, nhân viên hải quan, người kinh doanh quầy, đến anh bốc vác hành lý đều 100% đồ bảo hộ, bọc giày, mắt kính, khẩu trang, chùm đầu khác xa những gì mình thấy ở tất cả các sân bay mình đã đi qua... Hành lý của đoàn được khử trùng ngay khi đưa ra khỏi bụng sân bay... Cả đoàn được hộ tống lên xe quân đội, khử trùng một lần nữa trước khi lăn bánh.
Lúc này thực sự mình đã được an toàn rồi. Đất mẹ đã giang tay đón mình trở về. Trước đây, dù có cơ hội định cư ở nước ngoài, mình vẫn chần chừ không muốn đi vì yêu mến cảnh vật trù phú, món ăn đa dạng và cuộc sống sôi động của quê hương. Qua chuyến đi này, mình càng khẳng định mình sẽ không bao giờ bỏ quốc tịch Việt Nam. Vì nơi đó, Tổ quốc vẫn luôn tràn ngập tình người, ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng dù phải hi sinh lợi ích kinh tế. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn đồng bào đã giang tay đón mình trở về, cho mình một nơi chốn bình yên sau chuỗi ngày đầy sóng gió.
Trần Ngân
">