- Hôm nay, lại thêm 1 ngày 27/7 nữa. Thế là đã hơn 30 năm nay, con coi đây là ngày của bố. Vì vậy, cứ vào ngày này, con lại thức dậy thật sớm để đi mua về một bó hoa hồng màu trắng đặt trước bàn thờ bố, mẹ bảo đó là loài hoa mà bố thích.
Con nhớ, hơn 30 năm về trước, xã mình, ai cũng nghèo, nhà mình, các em còn bé, đứa chị cả như con thì mới tròn 7 tuổi. Bố thì đi bộ đội theo tiếng gọi của Tổ Quốc, thế nên mọi gánh nặng đè lên vai của mẹ, bao nhiêu lam lũ, vất vả, mẹ vẫn không đủ sức để kiếm cho đủ ngày 2 bữa cơm độn ngô độn sắn cho 4 đứa con chúng con.
Đêm đến, khi cơn đói hành hạ, những tiếng khóc cứ như xé toạc cả màn đêm, khiến lòng mẹ không yên. Thế là mẹ lại phải lặn lội vượt cả một đoạn đường dài 70 - 80 km kiếm từng gánh củi, đổi thêm bát gạo cải thiện bữa ăn cho chúng con.
Những lúc mẹ vắng nhà như thế, đứa chị cả mới 7 tuổi như con lại một mình dỗ dành cho 3 đứa em còn quá nhỏ. Hàng xóm vẫn gọi chúng con là đàn chuột. Con biết, họ gọi thế không phải chỉ vì trông chúng con quá lem luốc, mà là vì trông chúng con nheo nhóc quá.
Những đứa trẻ cùng xóm bảo con là, nhà con nghèo hơn nhà chúng nó. Con cũng nhận thấy điều đó, nhưng con vẫn tự hào, bởi vì trong suy nghĩ của con khi ấy, nhà mình nghèo hơn vì bố còn bận đi đánh giặc ngoại xâm, khi nào bố về, mẹ sẽ không còn vất vả, và chúng con sẽ không còn cái cảnh lem luốc, các em sẽ không phải khóc đến khản cả cổ vì không có đủ cơm ăn.
Hơn nữa, con còn thấy hạnh phúc vì mỗi khi nhận được thư của bố gửi về, mẹ lại rải ổ rơm cho chúng con nằm quây quần bên mẹ để nghe mẹ đọc thư của bố. Trong số những bức thư ấy, con thấy bố bảo, bố đang là đội trưởng, chỉ đạo cả 1 tiểu đoàn, bảo vệ cầu Hàm Rồng, 2 bên chiến đấu rất khốc liệt nhưng quân mình gan dạ lắm, khi đất nước hòa bình, bố sẽ trở về, với mẹ, với chúng con....
Nhưng rồi, đất nước chưa kịp hòa bình thì nhà mình nhận được giấy báo tử của đơn vị bố. Có lẽ, đó là cái ngày khủng khiếp nhất mà con đã từng trải qua. Các em con, 2 đứa 4 tuổi, 1 đứa mới 2 tuổi, chúng chưa đủ lớn để hiểu ra cái mất mát quá to lớn mà chúng đang phải gánh chịu, nên cứ ngơ ngác, nhìn mẹ, rồi lại nhìn chị, và chỉ biết khóc thét lên khi thấy mẹ cứ vật vã ngất lên ngất xuống.
Còn con, tự chui vào một góc nhà để khóc, rồi hờn giận bố, thế mà bố hứa với con, lần nghỉ phép sau bố về, sẽ mua cho con 1 cái lược thật đẹp, và còn dậy cho con thêm mấy bài hát nữa, vì bố biết, con gái bố rất giống bố, cũng thích ca hát...
2 năm sau thì đất nước mình thống nhất, ngày xã mình tổ chức đón các anh, các chú, các bác bộ đội trở về, con cũng dẫn theo các em đến để tìm bố, với hy vọng một phép màu nào đó sẽ đưa bố về với chị em chúng con. Nhưng tìm mãi, tìm mãi, con vẫn không thấy bố trở lại. Cả 4 chị em chúng con lại ôm nhau khóc nức nở, chỉ đến khi mẹ chạy đến, lôi 4 chị em về đánh 1 trận thật đau, đau lắm, rồi mẹ bảo, bố sẽ không trở về nữa.
Mẹ nói, bố đã ra đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, và bố đã ngã xuống để đổi lấy tự do cho chúng con, vì thế, dù thế nào cũng không được làm bố buồn, không được làm bố thất vọng.
Câu nói ấy của mẹ đã giúp con mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhiều.
Rồi năm tháng dần trôi đi, chiến tranh cũng đã lùi xa về quá khứ, nhưng với con, không biết từ khi nào, con đã yêu màu xanh áo lính...nên trưởng thành, sau khi đã cùng mẹ lo cho các em yên bề gia thất, con cũng yêu và lập gia đình với một người lính biển.
Bây giờ, chồng của con cũng đã là một sĩ quan hải quân, cũng ngày đêm bảo vệ vùng biển của Tổ Quốc mình, chỉ khác là, chồng con và những đồng chí khác là những người lính thời bình. Họ không giống như bố phải trải qua thời kỳ mưa bom bão đạn, nhưng cũng phải vất vả để chống lại những âm mưu dòm ngó của kẻ thù.
Hôm nay, đọc trên báo chí, con lại thấy tin, biển Đông đang có bão. Thế là lại một cơn bão nữa tiến vào biển Đông bố ạ, thêm cả những cơn bão lớn nhỏ hình thành từ mưu đồ của con người liên tục gây căng thẳng trong vùng biển của nước mình trong thời gian vừa qua càng khiến con thấy lo lắng. Chỉ mong những cơn bão ấy, dù có xuất hiện, rồi cũng nhanh chóng tan, để dân mình bớt khổ, và thế hệ chúng con, rồi sau này nữa, không còn phải sống cái cảnh chia ly ...
L.V.
">