Ở tuổi 18, Nhật Nghi đã là sinh viên năm thứ ba của ngôi trường hàng đầu nước Mỹ - Đại học California tại Los Angeles (UCLA), theo học cùng lúc hai chuyên ngành là Ngôn ngữ châu Á và Quan hệ công chúng.Nhật Nghi thể hiện khả năng hát bằng 6 thứ tiếng.
16 tuổi “xách ba lô lên và đi”
Có cơ hội được đặt chân tới Mỹ từ khi còn học cấp 1, sự rộng lớn của một “vùng đất mới” thôi thúc Nghi phải khám phá.
Vì thế, 15 tuổi, Nhật Nghi xin phép bố mẹ cho qua Mỹ, theo học chương trình cấp 3 tại đây. Bố mẹ Nghi lập tức phản đối.
“Hay để vài năm nữa đã xem sao”, người mẹ khuyên.
Nhưng cô gái nhỏ vẫn quyết tâm phải thực hiện kế hoạch của mình. Mất một năm chuẩn bị, Nhật Nghi xin được học bổng 100% học phí từ ngôi trường công lập - Lincoln High School.
16 tuổi, Nghi kéo vali ra sân bay, bắt đầu chuyến hành trình của mình.
Bùi Lê Nhật Nghi - sinh viên Đại học California tại Los Angeles
Một mình tới Mỹ, cô gái nhỏ vốn được bố mẹ bao bọc phải tự học mọi thứ. “Những lần đi tìm nhà ở hay việc phải lập kế hoạch cho bản thân ra sao đã dạy cho em rất nhiều”.
Tự tìm tòi và hoàn thành xuất sắc chương trình học một năm, Nhật Nghi đứng trước 2 lựa chọn, hoặc phải chuyển tới một ngôi trường tư thục hoặc học song song chương trình phổ thông và cao đẳng. Nghi “liều mình” lựa chọn chương trình học song song tại North Seattle College - vốn khá nặng và hiếm dành cho những người ở độ tuổi như cô.
“Nhưng nếu có cơ hội, tại sao không thử?”, Nghi quyết định vào ngôi trường này để rút ngắn thời gian học và tiết kiệm tiền bạc.
Tại đây, mỗi mùa, du học sinh phải học 12 tín chỉ. Thế nhưng, nữ sinh người Việt đã đăng ký học gần 20 tín chỉ.
“Mỗi giờ lên lớp em thường chú ý ghi chép lại những ý chính được thầy cô nhấn mạnh. Em cũng tạo thói quen cho bản thân là luôn tranh thủ giờ nghỉ trưa hay giải lao để làm bài tập.
Việc ứng dụng những gì được dạy ngay sau khi học xong giúp em hiểu bài và ghi nhớ lâu hơn. Ngoài ra, em cũng cố gắng đi học chuyên cần, chăm chỉ phát biểu để được giáo viên chú ý”.
Sau 2 năm học, điểm GPA của Nghi đạt 3.99/4.0, nằm trong top cao nhất trường.
Không chỉ vậy, Nghi còn tham gia Hội đồng Lãnh đạo sinh viên, là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam của trường. Nhờ các hoạt động sôi nổi, Nhật Nghi được hội đồng nhà trường “để ý” và ngỏ lời mời cô trở thành Đại sứ Truyền thông Xã hội. Nữ sinh người Việt là du học sinh đầu tiên đảm nhiệm vị trí này, và cũng là Đại sứ nhỏ tuổi nhất đến thời điểm hiện tại của trường.
Cô gái Việt tự nhận mình may mắn vì được quá nhiều người giúp đỡ.
“Có một vị giáo sư sẵn sàng viết thư giới thiệu cho em ứng tuyển vào đại học. Bình thường, thầy có vẻ lạnh lùng và kiệm lời, nhưng trong bức thư, thầy tỏ rõ sự trân trọng, yêu mến và rất thương học trò. Thầy khen em về sự hăng hái và có những kỹ năng tốt. Thầy nói em có khả năng phát triển và học tập ở môi trường đại học. Em rất biết ơn thầy”.
Năm 2020, Nhật Nghi “apply” 4 trường và đỗ cả 4. Trong đó, UCLA – ngôi trường top đầu của Mỹ - chấp thuận Nghi với mức hỗ trợ tài chính lên tới 65.000 USD/ năm, chưa bao gồm chi phí sinh hoạt.
Cũng nhờ những tín chỉ tích luỹ được sau 2 năm học chương trình song song, Nghi được chuyển tiếp sang học năm 3 tại UCLA khi mới 18 tuổi.
Biết 5 ngoại ngữ
Đi du học cũng tạo điều kiện cho Nghi phát triển đam mê ngôn ngữ. “Hồi còn bé, khi được tiếp xúc với tiếng Anh, em luôn cảm thấy thích thú. Em nhận ra vẻ đẹp của ngôn từ không chỉ ở mặt ngữ nghĩa mà còn thể hiện nét văn hóa riêng của từng vùng miền, quốc gia”.
Hiện tại, cô gái sinh năm 2002 có thể sử dụng 5 ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh, Nhật, Trung, Hàn, Pháp.
Việc học nhiều ngôn ngữ cùng lúc với Nghi không mấy khó khăn. “Em thường tự tìm ra những điểm chung của các ngôn ngữ, tìm ra mối liên kết để việc học dễ dàng hơn”.
Để lấy cảm hứng cho việc học, Nghi thường xuyên nghe nhạc, hát theo các bài hát, học từ mới, tự đặt câu và luyện những đoạn giao tiếp đơn giản. Khi đã luyện nói, luyện nghe thành thạo, Nghi thực hành bằng cách bắt chuyện với người bản ngữ.
“May mắn, UCLA là môi trường đa dạng văn hóa, nhiều bạn học đến từ các quốc gia khác nhau. Đó là môi trường tốt để thực hành. Thậm chí, nhiều bạn còn thích thú khi có một người nước ngoài mong muốn tìm hiểu về ngôn ngữ của nước mình”.
Ngoài việc rèn thói quen luyện tập mọi lúc, mọi nơi, nữ sinh 18 tuổi còn luôn mang theo bên mình một cuốn sổ kế hoạch, trong đó vạch ra những việc quan trọng và khoảng thời gian cần phải thực hiện.
Dịch Covid-19 khiến nhiều du học sinh như Nghi không thể tới trường mà buộc phải học trực tuyến. Từ Mỹ trở về Phú Yên hồi tháng 5, nhưng cô gái sinh năm 2002 không chịu “ngồi yên”. 10X ứng tuyển và được chọn làm leader ở mảng social media của STEAM for Vietnam - một tổ chức phi lợi nhuận dạy lập trình miễn phí cho trẻ em.
Lần này, Nghi lại một mình “khăn gói” ra Hà Nội để trải nghiệm công việc mới.
“Hồi ở Mỹ, em đã thử sức ở rất nhiều lĩnh vực. Cho đến giờ, em vẫn muốn thử sức nhiều hơn nữa trước khi đưa ra quyết định cho tương lai. Em nghĩ rằng, chỉ cần can đảm bước khỏi vùng an toàn, mình sẽ làm được những điều không tưởng”.
Thúy Nga - Ngọc Diệp
9X Việt và 'cái gật đầu' của Facebook, Google sau 2 lần bị từ chối
Học tập tại Việt Nam, từng “không làm bạn” với tiếng Anh, Lam cho rằng đó là rào cản lớn nhất trên hành trình cô đến với các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Amazon.
">