Theo thông tin từ Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, một hoạt động mới mang tên Chương trình “Ngày Khoa học và Hạt nhân tại Hà Nội” vừa được tổ chức trong các ngày 18 - 20/5/2016.Hoạt động này do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM), Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) phối hợp tổ chức và diễn ra trong khung viên của trường này.
Lễ khai mạc diễn ra vào sáng ngày 18/5/2016 tại Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử của ĐHBKHN. Tham dự Lễ khai mạc có đại diện của ROSATOM tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục NLNTVN, Giám đốc Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử thuộc ĐHBKHN cùng các đại diện Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các trường đại học BKHN; Điện lực; Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), trường Trung học cơ sở Thanh Quan, các phóng viên báo chí và hơn 20 sinh viên, học sinh từ các trường kể trên.
|
Buổi hội thảo tập huấn dành cho phóng viên báo chí. Ảnh từ Cục NLNTVN. |
Chương trình “Ngày khoa học và hạt nhân” nhằm mục tiêu: Nâng cao nhận thức hiểu biết của công chúng, nhất là đối tượng sinh viên, học sinh, các phóng viên báo chí về ngành khoa học hạt nhân, về các ứng dụng của công nghệ hạt nhân trong cuộc sống.
Trong 03 ngày hoạt động của Chương trình, một loạt các sự kiện bổ ích, thú vị như hội thảo, triển lãm, thi vẽ cho thiếu nhi, giới thiệu và phát các ấn phẩm về điện hạt nhân, các trò chơi, thí nghiệm thú vị liên quan tới khoa học hạt nhân đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn một trăm lượt đại biểu; từ đại diện Cục NLNT, đại diện Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đến các phóng viên báo chí và các em sinh viên, học sinh của trường đại học và phổ thông đã kể ở trên.
Cục NLNT có nhiệm vụ quan trọng trong công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của công chúng đối với điện hạt nhân, trong việc thực hiện hiệu quả và đảm bảo an toàn, an ninh cho các dự án điện hạt nhân. Trong thời gian qua, Cục NLNT (Bộ KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với ROSATOM trong việc lập kế hoạch và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về điện hạt nhân. Ngày 03/2/2015, Bộ KH&CN và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia LB Nga ROSATOM đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác hỗ trợ thông tin, truyền thông đối với các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân giai đoạn 2015-2020. Chuỗi sự kiện “Ngày khoa học và hạt nhân tại Hà Nội” bây giờ là một số trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ đó.
|
Cục NLNTVN trưng bày pano về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam. Ảnh từ Cục NLNTVN. |
Về phía thành phần tham gia “chủ nhà”, Cục NLNT đã tổ chức trưng bày các pano giới thiệu về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam và tổng quan về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời phát các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp về điện hạt nhân do Cục NLNT chủ trì biên soạn và xuất bản. Qua đó, các đại biểu và các bạn sinh viên, học sinh tham dự sự kiện không chỉ được nâng cao nhận thức chung về năng lượng hạt nhân, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân mà còn được cung cấp những thông tin về tình hình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam và tình hình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - dự án điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta.
|
Cuộc thi vẽ của học sinh với chủ đề “Tương lai Việt Nam với điện hạt nhân”. Ảnh từ Cục NLNTVN. |
Còn về phần tham gia của “đối tác khách”, đại diện của ROSATOM cho biết: “Giáo dục và phổ biến kiến thức tới người dân về lợi ích của điện hạt nhân là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, ROSATOM đặc biệt chú ý tới thế hệ trẻ, những người sẽ gánh vác trách nhiệm phát triển ngành năng lượng hạt nhân của nước nhà thành công và an toàn”. Và trong dịp này, ở cuộc thi vẽ dành cho các em học sinh với chủ đề “Tương lai Việt Nam với điện hạt nhân”, ROSATOM đã giới thiệu cuốn sách khoa học dành cho thiếu nhi với tên gọi “Hạt nhân cơ sở” (Nuclear ABC).
Ngoài ra, các đại biểu tham dự và các em học sinh, sinh viên còn được tham gia rất nhiều hoạt động khoa học như vật lý vui, tương tác thực tế ảo với nhà máy điện hạt nhân, piano nguyên tử và các hoạt động giáo dục - khoa học khác. Buổi chiều cùng ngày, đã diễn ra trò chơi "Tiến thoái lưỡng nan nguyên tử” với sự góp mặt của 2 đội sinh viên đến từ ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Điện lực cùng tham gia tranh luận về ứng dụng nhà máy điện hạt nhân.
Ngày 19/5/2016, Hội thảo về truyền thông điện hạt nhân dành cho các phóng viên báo chí đã được ROSATOM chủ trì tổ chức tại Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử (ĐHBKHN). Tham dự hội thảo có hơn 20 phóng viên, biên tập viên đến từ một số cơ quan thông tấn, báo đài như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Tiền Phong, Báo Khoa học và Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Báo Công Thương, Đài PTTH Hà Nội, Đài PTTH Ninh Thuận,… Tại hội thảo, các chuyên gia về hạt nhân và truyền thông trong lĩnh vực điện hạt nhân đến từ LB Nga không chỉ cung cấp những kiến thức bổ ích về ngành công nghiệp hạt nhân mà còn cả những kỹ năng tác nghiệp dành cho các phóng viên báo chí khi viết về lĩnh vực điện hạt nhân, thông qua các bài trình bày Giới thiệu về ngành công nghiệp hạt nhân; Sự chấp thuận của công chúng; Trách nhiệm và vai trò của truyền thông; Phương pháp viết về năng lượng hạt nhân.
Vào ngày 20/5/2016, cũng tại Trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử (ĐHBKHN), một chuyên gia hạt nhân, Phó Trưởng khoa Điện Hạt nhân, Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI) đã có bài giảng cho sinh viên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội về ngành công nghiệp hạt nhân. Buổi chiều cùng ngày, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thường Cuộc thi Olympic Vật Lý do ROSATOM tổ chức. Đây là lần thứ ba Cuộc thi được ROSATOM tổ chức tại Việt Nam, với hình thức thi trực tuyến dành cho sinh viên và học sinh. Tất cả những thí sinh đạt giải sẽ có cơ hội nhận được học bổng từ một trong các trường đào tạo ngành hạt nhân tại LB Nga.
Chương trình “Ngày khoa học và hạt nhân” trên đây cũng là sự kiện có ý nghĩa thiết thực chào mừng và kỷ niệm “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam” tổ chức vào ngày 18/5 hàng năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định 3 năm trước đây, năm 2013.
Minh Trần
">