Trước khi thành lập startup OhmniLabs, cơ duyên đưa Thức đến với ngành AI và robotics ra sao?
Khi học năm thứ nhất tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), tôi có tìm hiểu một số phòng nghiên cứu ở trường thì gặp được một chương trình rất hay về robotics của một bà giáo sư. Đó là việc lập trình cho cả một đội robot chơi bóng đá với nhau. Sau đó, tôi mới tìm hiểu sâu hơn để được làm nghiên cứu tại phòng lab ấy và cũng bén duyên với ngành AI và Robotics từ đây.
Khi vào làm thì càng làm càng thấy thú vị bởi chúng tôi có thể tạo ra những bộ não nhân tạo, làm được những công việc mà trước đây chỉ bộ não con người mới có thể làm được.
Vậy còn cơ duyên với lần khởi nghiệp đầu tiên của anh với Katango thì sao?
Việc làm startup đầu tiên cũng bắt nguồn từ chương trình nghiên cứu của tôi trong lúc học Tiến sĩ tại Đại học Stanford. Lúc đó, tôi có nghiên cứu về lý thuyết trò chơi (Game Theory) và tương tác với hệ thống đa tác nhân (Multi Agent System) thì thấy có thể phát triển một ứng dụng rất hữu ích cho mạng xã hội là Katango - ứng dụng tự động phân loại bạn bè.
Lúc đó, tôi phát hiện ra rằng, theo một cách nào đó, mỗi người dùng tham gia mạng xã hội là một tác nhân và khi tương tác với những người khác thì có thể dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để học những mối quan hệ giữa các tác nhân này: những bạn thân của họ là ai, hay tương tác với ai, hay nói về chủ đề gì và với nhóm nào… Điều này mở ra những ứng dụng khác hết sức thú vị cho mạng xã hội khi chúng ta có thể hiểu được những thông tin này.
Làm thế nào để anh vẫn có thể hoàn thành tốt việc học Tiến sĩ tại ĐH Stanford mà vẫn làm startup Katango phát triển mạnh?
Giai đoạn gần cuối khi viết luận văn tiến sĩ, vừa mới bắt đầu khởi nghiệp với Katango là giai đoạn hết sức vất vả, và cũng rất stress. Nhưng tôi may mắn vì có sự ủng hộ và hỗ trợ của nhiều người. Khi mở công ty, tôi làm với một bạn nghiên cứu trong cùng Lab và giáo sư hướng dẫn, nên 3 co-founder phối hợp rất ăn ý và công việc rất trôi chảy.
Vì sao lúc Katango đã vượt qua được những khó khăn ban đầu và phát triển tốt với Facebook thì anh lại bán cho Google để dùng cho Google+, rồi trở thành người làm thuê cho họ?
Tại thời điểm đó, quyết định ấy sẽ là tối ưu nhất cho sản phẩm của công ty. Khi Google mua lại Katango, sản phẩm của chúng tôi đã có rất nhiều người sử dụng nhưng không thể có được dữ liệu lớn từ Facebook để phát triển.
Trong khi đó, về với Google thì ngay lập tức chúng tôi có hàng trăm triệu người trên mạng xã hội Google+ sử dụng sản phẩm. Thêm vào đó, Katango được truy cập vào lượng data khổng lồ, đồng thời có sự hỗ trợ rất lớn từ nền tảng của Google, giúp những giá trị mà sản phẩm của chúng tôi tạo ra tăng đột biến. Thực tế, Katango đã giúp cho Google+ phát triển nhanh hơn 50% so với trước khi sử dụng sản phẩm này.
Cả 3 co-founder của Katango quyết định bán công ty và vào Google làm thì ngoài việc nó tốt cho sản phẩm, còn là cơ hội để học hỏi rất nhiều thứ khác ở đó. Thường là tôi ưu tiên vấn đề học hỏi.
Anh đã học được gì sau 3 năm làm việc ở Google?
Katango là một công ty khởi nghiệp nên rất nhanh và linh động, nhưng công việc ở một startup như vậy có nhiều khó khăn không tên. Còn Google là một công ty lớn, mọi thứ đã hoàn chỉnh về nền tảng nên tôi học được cách xây dựng một công ty lớn sẽ như thế nào: từ vấn đề review sản phẩm, cách phỏng vấn tuyển người, hay cách họ đặt ra các mục tiêu hoạt động (OKR)…
OhmniLabs bây giờ cũng áp dụng hệ thống OKR kiểu Google và thấy hiệu quả. Thực ra, mỗi giai đoạn phát triển thì nên học được một thứ gì đó khác với trước đó. Và tôi thường đưa ra lựa chọn cho cá nhân mình dựa vào thứ mà mình sẽ học được nhanh, nhiều, và trong thời gian ngắn nhất.
Làm Google 3 năm, anh nghỉ 1 năm rồi lại khởi nghiệp với OhmniLabs. Trong khoảng giữa đó, điều gì đã định hướng anh thành lập một startup về robotics?
Thời điểm đó tôi suy nghĩ về những sản phẩm mới mà mình sẽ phát triển là gì và tự hỏi: "What is the next big thing?". Tôi có nói chuyện với founder của một startup công nghệ khác tại Silicon Valley – vốn là người bạn cùng phòng trước đây.
Chúng tôi từng làm nhiều nghiên cứu về robot cùng nhau và phối hợp rất ăn ý nên khi dự kiến thành lập công ty mới thì cũng muốn làm chung với bạn ấy. Sau này thì có thêm một bạn co-founder nữa và cả 3 đều là người châu Á (một người quốc tịch Singapore, một người Canada).
Khi đặt ra câu hỏi: "What is the next big thing?" để thảo luận thì chúng tôi nhận thấy rằng robotics là một ngành rất thú vị, sẽ tạo ra những ảnh hưởng xã hội lớn, và có thể làm thay đổi thế giới trong tương lai.
Khi quan sát những sản phẩm về robot lúc ấy, chúng tôi phát hiện ra rằng: mặc dù đã có vài chục năm rồi, nhưng chủ yếu robot được ứng dụng trong sản xuất, chế tạo. Nó chưa được ứng dụng rộng rãi trong môi trường xã hội như tại nhà, bệnh viện, trường học, nhà hàng hay công sở.
Chúng tôi muốn thay đổi thực tế này. Làm sao để phát triển được những con robot mang đến giá trị cho người dùng cuối, trực tiếp cung cấp dịch vụ, chứ không chỉ dùng trong nhà máy và bị tiếng xấu là lấy đi công việc của con người (cười).
Đến nay, robot của OhmniLabs đã có những cột mốc phát triển nào đáng nhớ?
Năm 2017, một robot của OhmniLabs đã cứu được một bà cụ già, đó là điều hết sức tuyệt vời khi đưa robotics và AI vào đời sống hàng ngày. Năm 2019, số lượng robot của chúng tôi được triển khai trên thế giới đã vượt qua con số 1.000. Hiện tại, hàng nghìn robot Ohmni đã được triển khai tại hơn 40 quốc gia, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, y tế cho đến kinh doanh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Ngoài ra, OhmniLabs đang làm một số dự án đặc biệt với các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như hãng hàng không của Nhật - ANA. Họ có một tầm nhìn rất thú vị là muốn biến tương lai của việc đi lại sẽ được hỗ trợ bởi robot chứ không chỉ máy bay.
Ví dụ, bạn muốn đi tham quan viện bảo tàng đại dương ở Nhật thì có thể chọn một con robot ở đó để nó di chuyển đến bảo tàng. Thông qua robot, bạn có thể nhìn thấy và cảm giác như ở bảo tàng Nhật thực sự.
Hoặc nếu bạn muốn đi shopping ở Paris chẳng hạn, thay vì bay sang, bạn có thể gọi một con robot đang ở Paris, thông qua nó để xem sản phẩm và tương tác với người bán hàng như bạn đang ở chính cửa hiệu đó.
Như vậy, bạn vẫn có được trải nghiệm hết sức thú vị, nhưng lại bớt đi những vất vả của việc đi lại.
Trong dự án này, chúng tôi cùng ANA nghiên cứu và phát triển sản phẩm chỉ trong vòng 6 tháng. Hiện nay, chúng tôi đã sản xuất ra được hàng trăm con robot cho ANA. Và vui hơn nữa là sản phẩm robot hợp tác với ANA của OhmniLabs đã được chọn trao giải thưởng "Sản phẩm tốt nhất cho xã hội 5.0" tại Hội nghị CEATEC Nhật Bản năm 2019 (CEATEC là hội chợ điện tử và công nghệ lớn nhất Nhật Bản tương tự như CES ở Mỹ). Là xã hội 5.0 chứ không phải là 4.0 nhé (cười lớn).
Đại dịch Covid-19 có tác động như thế nào tới OhmniLabs?
Đại dịch vừa rồi là một bước ngoặt lớn cho ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là việc đưa robotics vào cuộc sống. Đồng thời, nó cũng làm thay đổi cách nhìn và định hướng của rất nhiều công ty, và người tiêu dùng với sản phẩm robot. Điều này giúp cho triển vọng phát triển ở lĩnh vực AI, Robotics, Blockchain … là cực kỳ lớn.
Ví dụ như ngoài việc phát triển robot cho Tập đoàn ANA (Nhật Bản), chúng tôi đang làm cho Target – một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Mỹ. Định hướng của Target thời gian tới là phát triển robot có thể sử dụng tia cực tím để khử khuẩn trên bề mặt ở những nơi có nhiều người lui tới như tiệm ăn, quán cà phê, thang máy... Từ đó, những vi trùng, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và tránh các bệnh truyền nhiễm, không chỉ Covid-19 mà còn nhiều bệnh lây lan khác.
Chúng tôi hiện cũng đã phát triển sản phẩm này cho Target và chuẩn bị đưa vào sản xuất hàng loạt với hàng nghìn đơn. Đặc biệt, việc phát triển robot cho Target chỉ mất 1 tháng thôi, trong khi cho ANA phải mất 6 tháng. Trước đây, tốc độ phát triển một robot như vậy phải mất tới 2-3 năm bởi nó cần quá nhiều chuyên môn khác nhau.
Anh từng chia sẻ sau khủng hoảng là thời điểm những công ty công nghệ lớn ra đời. Vì sao lại như vậy?
Cả số liệu thống kê cũng như trên thực tế đều cho thấy điều đó. Mỗi cuộc khủng hoảng đến và đi đều mang lại những tác động vô cùng lớn đến kinh tế xã hội, đồng thời kéo theo những thay đổi trong hành vi tiêu dùng.
Những công ty nào có đủ sự nhạy cảm để nắm bắt được sự thay đổi này và nhanh chóng tạo ra sản phẩm mới, hoặc điều chỉnh sản phẩm, mô hình hiện có, đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường thì khả năng thành công rất lớn.
Cái thứ hai là khủng hoảng như một bộ lọc hay một cuộc thi sát hạch rất gắt gao. Ai sống sót được thì người đó phải có thực lực và đội ngũ cũng phải có khả năng cao, có thể thay đổi và tồn tại được trong lĩnh vực của mình làm. Ngoài ra, sự cạnh tranh cũng sẽ ít hơn khi khủng hoảng xảy ra, các doanh nghiệp làm không tốt sẽ bị đào thải. Một ví dụ là Zoom có doanh thu bùng nổ nhờ Covid-19.
Nếu nhìn vào câu chuyện về các startup của anh xuất hiện trên báo thì có vẻ như anh không gặp mấy khó khăn nhưng thực tế thì sao?
Làm startup có rất nhiều khó khăn, trở ngại. Mỗi giai đoạn lại là một thử thách khác nhau, không có giai đoạn nào giống giai đoạn nào. Mình vừa giải quyết được vấn đề này thì lại có vấn đề khác nảy sinh.Nhưng làm startup cũng giúp tôi học được một điều là phải luôn lạc quan. Cho dù bất kỳ chuyện gì xảy ra thì chúng ta đều có thể tìm ra được một giải pháp, không cách này thì cách khác. Đừng bi quan và đừng bỏ cuộc.
Với việc OhmniLabs đang phát triển rất tốt, anh dự kiến bao giờ thì startup mà mình sáng lập trở thành kỳ lân (startup được định giá trên 1 tỷ USD)?
Thực sư là tôi không nghĩ nhiều đến vấn đề có trở thành kỳ lân hay không. Đối với tôi, việc mang lại nhiều giá trị cho người sử dụng, cho khách hàng mới là vấn đề quan trọng nhất. Làm sao mình mang đến càng nhiều giá trị cho người dùng thì càng tốt. Còn vấn đề có trở thành kỳ lân hay không thì tùy duyên (cười).
Nếu không hướng tới tiêu kỳ lân, mục tiêu của anh với OhmniLabs là gì?
Mục tiêu của tôi là OhmniLabs sẽ phát triển được hàng nghìn loại robot khác nhau và đưa vào triển khai ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự bùng nổ việc sử dụng robot trên toàn thế giới, giúp tăng chất lượng cuộc sống của mọi người.
Người Việt khởi nghiệp ở Silicon Valley có gì khó khăn hơn so với người Mỹ hoặc nước khác đến đây không?
Người châu Á nói chung và người Việt nói riêng khi làm founder startup ở Silicon Valley thì sẽ có khó khăn hơn so với founder là người Mỹ hoặc người da trắng. Đó là một thực tế và nhìn thấy qua số liệu thống kê.
Ví dụ như việc gọi vốn chẳng hạn thì ở đây có quá nhiều công ty, quá nhiều cơ hội và nhà đầu tư thường có một khuôn mẫu lựa chọn nhất định. Họ thích chọn startup có người Mỹ hoặc người da trắng làm founder hơn là toàn người châu Á như OhmniLabs. Và nếu founder còn là phụ nữ châu Á như Văn Đinh Hồng Vũ (founder của Elsa) thì còn khó khăn hơn nữa.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Chuyên gia Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi tấn công mạng Pwn2Own 2021
Trong 2 ngày 7, 8/4, các chuyên gia bảo mật đến từ một doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam đã xuất sắc giành chiến thắng ở cả 2 hạng mục, với 3 phần thi tại Pwn2Own 2021 - cuộc thi tấn công mạng uy tín trên thế giới.
">