GS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108
Vào tháng 1 vừa qua, bệnh viện cũng đã mời bà N. tham dự Lễ Tri ân người hiến tạng và trao tặng Kỷ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế để ghi nhận nghĩa cử cao đẹp.
“Khi biết thông tin về việc tổ chức tang lễ cho người hiến tại bệnh viện, 5 gia đình được nhận tạng tại bệnh viện đã chủ động tới viếng, chia buồn cùng gia đình và tri ân người hiến tạng. Việc làm này hoàn toàn xuất phát từ sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với nghĩa cử đầy nhân văn của người hiến và hoàn toàn là sự tự nguyện của các gia đình người nhận tạng”, GS Bàng chia sẻ.
Ông cũng cho biết, việc các gia đình biết và gặp nhau là do tự liên hệ, bệnh viện không kết nối. Đây là điều pháp luật không cấm.
GS Bàng thông tin thêm, vào ngày 7/11/2020, bà N. đã gửi đơn kiến nghị đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đề nghị thực hiện “cam kết cung cấp thông tin người nhận trái tim của con tôi”.
Sau đó, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã có công văn gửi ngày 11/11/2020 đề nghị Bệnh viện 108 xác minh và phối hợp giải quyết. Bệnh viện đã gặp gỡ, động viên và giải thích kỹ cho gia đình về các quy định của pháp luật trong việc bảo mật thông tin của người cho, nhận trong quá trình hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Kết quả, ngày 24/11/2020, gia đình người hiến đã làm đơn xin rút đơn kiến nghị. Ngày 27/11/2020, Bệnh viện đã gửi công văn thông báo kết quả giải quyết cho Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Như vậy, cho đến nay, toàn bộ quá trình tư vấn, vận động, tiến hành lấy ghép đa phủ tạng từ người cho chết não của Bệnh viện được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
GS Bàng cũng nhấn mạnh, với bệnh viện, gia đình người hiến rất hài lòng vì nhận được sự quan tâm, tri ân sâu sắc. Không hiểu vì sao, gần đây bà N. lại muốn gặp lại người nhận trái tim của con mình.
Tuy nhiên theo quy định, bệnh viện không được tiết lộ thông tin người nhận, người hiến. Cũng theo quy định pháp luật, người nhận có quyền không gặp người hiến.
PGS.TS Phạm Nguyên Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện 108 chia sẻ thêm, sau câu chuyện lùm xùm nói trên, người thiệt thòi nhất chính là những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi ghép tạng.
“Tôi đọc bình luận trên mạng xã hội, trên các báo, nhiều người nói như này đến hiến máu cũng không hiến nữa, vậy nói gì đến hiến tạng. Ở đây có sự không hiểu hết giữa người bệnh và bệnh viện”, PGS Sơn chia sẻ.
Hình ảnh chàng trai 19 tuổi nhận phần chi thể từ con trai bà N.
Theo PGS Sơn, câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa khiến nhiều người trong xã hội hiểu lầm chuyện hiến tạng – ghép tạng có dính đến yếu tố thương mại. Đây là điều không đúng và rất đáng buồn.
Sắp tới thực trạng hiến tạng có thể gặp khó khăn, trong khi nguồn hiến mô tạng từ người cho chết não lâu nay đã rất ít. Rất nhiều người bệnh đã phải rời bỏ cuộc đời vì thiếu nguồn tạng hiến.
Với nhiều ca ghép như thận, gan, tủy… có thể thực hiện từ nguồn cho sống nhưng với nhiều ca ghép, bắt buộc phải có nguồn từ người chết não hiến tặng, trong đó có ghép tim.
“Bản thân bà N. hiện cũng rất áp lực. Câu chuyện đã bị đẩy lên quá xa. Bệnh viện đang cử người đến để động viên, giảm căng thẳng cho bà N.”, PGS Sơn thông tin.
Phó Giám đốc Bệnh viện 108 mong muốn, câu chuyện nên dừng ở đây để câu chuyện hiến ghép mô tạng tiếp tục giữ vẹn nguyên ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, để có thêm thật nhiều sự sống được nối dài.
Bản thân những người hiến, gia đình hiến là những người có nghĩa cử vô cùng cao đẹp, cần được cả xã hội tôn vinh, tri ân.
PGS Sơn cũng cho biết, quy định hiến ghép mô tạng hiện còn một số bất cập, Bộ Y tế vẫn đang phối hợp với nhiều cơ quan để thảo luận sửa đổi, trong đó có quy định về chi phí y tế phải bỏ ra của gia đình hiến tặng.
Thúy Hạnh
Người mẹ muốn gặp người nhận tim con trai: Đã có hồi âm
Con trai của người nhận tim đã chủ động liên lạc với bà Nhường. Hai gia đình sẽ sớm gặp nhau, giúp người mẹ giải tỏa u uất bấy lâu nay.
" alt=""/>Vụ mẹ muốn gặp lại người nhận tim của con trai: Ai là người thiệt nhất?