- Khẳng định năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ (KHCN), Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đổi mới kiến tạo lại nền hành chính mới có thể phát huy vai trò của KHCN.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành KHCN sáng 4/1. Ảnh: Lê Văn. |
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành KHCN diễn ra sáng nay, 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, có 5 yếu tố cơ bản để tạo nên sự phát triển của KHCN, gồm: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng cho KHCN và năng lực hội nhập cho đất nước.
"Tại sao có nước KHCN phát triển tốt như vậy, nhiều tập đoàn KHCN lớn như vậy, như Singapore nhưng nước ta KHCN lại phát triển chưa tốt. Đó chính là do thể chế chính sách của chúng ta" - Thủ tướng nói.
Một yếu tố nằm ngoài 5 yếu tố trên song rất quan trọng đối với sự phát triển của KHCN, theo Thủ tướng chính là năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước.
"Làm Nhà nước, Bộ, tỉnh thậm chí là Chính phủ mà không kiến tạo được sự phát triển của KHCN thì trách nhiệm là của chúng ta" - Thủ tướng khẳng định.
Do vậy, theo Thủ tướng, cần tạo ra những thể chế thông thoáng để phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả những người chưa vào Đảng, kiều bào, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến cho quê hướng đất nước. "Thực tế đất nước ta có nhiều cá nhân trẻ tuổi và tài năng" - Thủ tướng cho hay.
"Điều này đòi hỏi phải kiến tạo lại hành chính để phát huy vai trò của KHCN trước hết là con người, là thể chế. Tinh thần chung là phải khai phóng mọi nguồn lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng".
Thủ tướng cho rằng, việc chỉ ra những những cơ chế đang kìm hãm sự phát triển của KHCN và đề xuất với TW Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ để cùng tháo gỡ là trách nhiệm của Bộ KHCN và những người làm KHCN nói chung.
"Các bộ, ngành, viện quản lý nhà nước phải coi việc hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về KHCN. Cần phải tập trung vào các nút thắt trong thể chế quản lý" - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng khẳng định, cần phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính. Tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học.
"Nếu nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ chuyện thủ tục hành chính thì am hiểu về chuyên môn có khi rơi rụng am hiểu hành chính tăng lên. phải Làm quen tư duy quản lý KH chỉ dựa vào kết quả chứ không phải dựa vào quá trình" - Thủ tướng nói. "Đừng để nhà KH phải vất vả lo mua hóa đơn".
Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tháo gỡ nếu cơ chế, thể chế đó tạo nên sự phát triển của KHCN Việt Nam.
Nhà khoa học phải lắng nghe hơi thở cuộc sống
Nhắc lại nhiều lần yêu cầu nghiên cứu KH, các nhà KH phải gắn liền với đời sống, với thực tiễn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư cho KHCN cần phải bám sát hơn nhu cầu thực tiễn, thiết thực hơn.
Theo Thủ tướng, thực tiễn phát triển KHCN trên thế giới cho thấy, đầu tư nghiên cứu (R) cần ít nhất 10 năm mới đem lại hiệu quả thực tiễn, tỉ lệ thành công rất thấp. Đầu tư cho phát triển (D) phải mất hàng trăm năm, tỉ lệ thất bại không nhỏ.
Trong khi đó, đầu tư nghiên cứu ứng dụng KHCN để tạo ra sản phẩm thiết thực phục vụ cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường chỉ mất 2-3 năm, chi phí thấp, tỉ lệ thành công cao, mang lại hiệu quả kinh tế ngay, từ đó có nguồn thu đầu tư ngược lại cho KHCN.
"Chúng tôi đồng ý nghiên cứu KHCN có tính mạo hiểm và phải chú ý nghiên cứu cơ bản nhưng phải làm sao sử dụng hiệu quả nguồn lực trong điều kiện đất nước còn hạn chế" - Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu cán bộ KHCN phải biết vận dụng kiến thức KHCN vào kinh tế, đời sống. "KHCN giữa trời thì biết đời sống thực tiễn ra sao?" - Thủ tướng đặt câu hỏi. "Đề nghị các đợn vị KHCN, Bộ KHCN phải bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống xem cuộc sống cần gì, ta hỗ trợ được cái gì".
Thủ tướng cũng dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định, khoa học phải từ sản xuất mà ra, phải quay lại phục vụ sản xuất quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm CNXH thắng lợi. Các tổ chức KH và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, phải biết công nhân yêu cầu gì, làm ăn sinh sống như thế nào, họ cần chuyển giao, giúp đỡ phổ biến những tiến bộ KHCN như thế nào.
"Đó là những lời dạy của Bác Hồ và cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là định hướng chung cho KHCN nước nhà" - Thủ tướng khẳng định.
Lê Văn
"Phải coi đầu tư cho khoa học như đầu tư mạo hiểm"
Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho rằng, để giải quyết tận gốc rễ những vướng mắc trong cơ chế tài chính của hoạt động KHCN, phải coi đầu tư cho KHCN như đầu tư mạo hiểm.