当前位置:首页 > Thể thao

'Ông già điên cuồng vì hội họa' và loạt tranh đưa Nhật Bản ra thế giới

Katsushika Hokusai anh 1

SáchHokusai. Ảnh:D.L.

Cuốn Hokusai của Johann Protais và Éloi Rousseau (Phạm Lê Huy dịch, Omega+ và Nhà xuất bản Dân trí phát hành) cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quý về Katsushika Hokusai (1760 -1849) - một trong những bậc thầy tranh khắc gỗ ở Nhật Bản.

Họa sĩ bậc thầy được giới thượng lưu Pháp ưa chuộng

Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ và tác phẩm mang tính biểu tượng Sóng lừng ngoài khơi Kangawa. Những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của ông vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản.

Hokusai cũng được biết đến nhiều nhất tại Pháp khi tranh của ông được các văn - nghệ sĩ và giới thượng lưu Pháp nửa sau thế kỷ 19 ưa chuộng. Nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật Edmond de Goncuort (1822-1896) - người khởi xướng giải thưởng văn học cùng tên - đã quyết định viết về Hokusai - người nghệ sĩ mà ông coi là vĩ đại nhất lúc đó.

Hokusai sinh ra ở Edo, vào thời kỳ nước Nhật vẫn chú trọng truyền thống dưới thời Mạc Phủ Tokugawa. Nước Nhật của ông chỉ giao thương với Trung Quốc và Hà Lan và vẫn ưa chuộng các sân khấu kịch đại chúng kabuki, những trận đấu sumo và nhà chứa.

Katsushika Hokusai anh 2

Anh hùng Tametomo bị lũ quỷ trên đảo Onigashima (đảo quỷ) bao vây, khoảng năm 1811. Nguồn: wikipedia.

Ông mồ côi sớm và được một người chế tác gương kính nhận nuôi năm ba, bốn tuổi. Trước khi vào nghề, ông theo học các bậc thầy lớn như Katsukawa Shusho (đại diện của nghệ thuật tranh phù thế - đề tài được cho là hình ảnh của thế giới phù hoa, chuyên vẽ về thế giới của các kỹ nữ, diễn viên kịch hay phong cảnh), Tawaraya Sori (bậc thầy thuộc trường phái Rinpa (Lâm phái) hoạt động giai đoạn 1764-1780.

Trong khoảng từ năm 1789-1801, bằng việc kết hợp các thành tựu nghệ thuật đương thời của Trung Hoa với các ảnh hưởng mới của phương Tây, Hokusai đã khẳng định được phong cách riêng. Ví dụ ông đặc biệt chăm chút hình vẽ sóng biển; các nhân vật ông vẽ thường trải dài toàn bộ khổ tranh và mang vẻ thanh nhã hơn. Khoảng thời gian này vợ ông đột ngột qua đời, ông phải một mình nuôi ba đứa con.

Năm 1799, Hokusai rời xưởng tranh Tawaraya ở tuổi 39, và ông bắt đầu lấy tên Hokusai ký vào các tác phẩm của mình.

Sinh thời, Hokusai tự coi mình là một “ông già điên cuồng vì hội họa”, trong tiếng Nhật là Gakyo Rojin Manji (Họa cuồng lão nhân vạn). Ông cũng sử dụng khoảng 120 cái tên khác nhau. Việc ký nhiều bút danh như thế để thể hiện tất cả bước phát triển về phong cách vẽ, cũng như tư duy của ông.

Những năm 1810, cái tên Hokusai được phổ biến rộng rãi trong đời sống văn hóa Nhật Bản, ông lấn sân minh họa cho các sáng tác tiểu thuyết mới yomihon, hoặc thể loại táo bạo hơn là các tranh gợi dục Shunga (Xuân họa).

Từ năm 1814-1819, ông cho xuất bản 15 tập tranh ký họa Manga (mạn họa). Manga sau này trở thành tên gọi chung chỉ truyện tranh và truyện biếm họa Nhật Bản. Sau khi nổi tiếng tại nước Nhật, Hokusai bắt đầu được biết đến tại châu Âu và trên toàn thế giới.

Khó khăn khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp

Từ năm 1820 đến giữa những năm 1830 đánh dấu một giai đoạn huy hoàng nhất trong đời sáng tác của Hokusai, khi ông cho ra đời các kiệt tác quan trọng của đời mình.

Ông bắt đầu bằng loạt tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩtừ năm 1830. Sau 3 năm làm việc, ông đã thể hiện đầy đủ các khía cạnh của ngọn núi. Ông không chỉ sáng tạo với việc sử dụng ồ ạt màu xanh Phổ mà còn thay đổi các góc vẽ. Núi Phú Sĩ hiện lên trong tất cả bối cảnh và dưới nhiều góc độ ánh sáng khác nhau.

Núi hiện lên lúc bình minh, sương mù bao phủ, hay dưới mưa bão, trong sắc hồng buổi sớm, hay được chiếu sáng bởi chân trời đỏ lúc hoàng hôn… Loạt tranh này của ông được đánh giá là đã truyền tải được sự hùng vĩ cũng như sức mạnh thần diệu của ngọn núi.

Hokusai cũng vẽ cảnh thác nước và những cây cầu theo quan niệm của đạo Shinto (Thần giáo) nơi mà các hoạt động của con người và thiên nhiên hòa làm một. Cũng giai đoạn này, ông bắt đầu một chùm tác phẩm vẽ các loài hoa và chim mà đối với nhiều chuyên gia, đến tận bây giờ vẫn là một ví dụ hàng đầu của sự tái hiện cây cỏ và động vật.

Katsushika Hokusai anh 3

Cây thông tại Aoyama, loạt tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ. Nguồn: wikipedia.

Đặc biệt bức Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa- tác phẩm quan trọng nhất của Hokusai- minh họa hoàn hảo cho chủ đề lớn về “thế giới phù hoa”, nơi mà thời gian dường như ngừng trôi. Bức tranh cũng cho thấy một nền văn minh Nhật Bản, ở đó có cả ba yếu tố căn bản - một thế giới hòa hợp: biển, đất và lửa; cho thấy sự nhỏ bé của con người trước mẹ thiên nhiên hùng vĩ.

Sóng lừng ngoài khơi Kanagawađã gây ra cơn địa chấn trong giới nghệ sĩ châu Âu trong suốt một thời gian rất dài. Người ta kể tác phẩm chính là nguồn cảm hứng cho Claude Debussy viết bản giao hưởng La Mer(Biển cả).

Giai đoạn 1830-1840, những vấn đề cá nhân và gia đình đã khiến Hokusai gặp khó khăn khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Có thời điểm ông phải rời khỏi Edo vì bị chủ nợ của cháu trai mình theo đuổi. Sau đó ông trở lại Edo nhưng phải tự mình bán tranh trên các đường phố để mưu sinh.

Năm 1939, nhà ông bị một đám cháy thiêu trụi, một phần lớn tác phẩm của ông bị thiêu thành tro.

Từ năm 1840, ông dừng làm tranh in khắc gỗ, chuyển sang việc vẽ. Giai đoạn 1842-1844, ngày nào ông vẽ một con karashishi - một con sư tử thiêng theo truyền thuyết Trung Hoa để mang lại may mắn và bảo vệ ông khỏi cái chết. Ông đã vẽ 219 bức ký họa con sư tử này.

Hokusai mất vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1849. Tro cốt của ông được gửi tại đền Seikyo-ji trong khu phố bình dân Asakusa ở Edo, nơi ông nếm trải vinh quang lẫn suy tàn.

Điều ít biết về Renoir, danh họa tôn vinh cái đẹp gợi cảm

Họa sĩ người Pháp Pierre-Auguste Renoir (1841-1919) được biết đến là một trong những nhân vật tiên phong trong sự phát triển của trường phái ấn tượng.

分享到: