Thận có chức năng lọc và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, bao gồm các chất có hại như rượu. Thận cũng duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải. Nếu thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng rượu dư thừa khỏi cơ thể có thể dẫn đến cảm giác đau. Quá trình thanh lọc cơ thể này cùng với đi tiểu nhiều khi uống rượu cũng có thể dẫn đến mất nước, ảnh hưởng đến hoạt động của thận và các cơ quan khác, gây đau.
Cơn đau thận có thể cảm nhận ở vùng lưng trên hoặc lưng dưới. Các vùng xung quanh thận có thể bị đau sau khi uống rượu là vùng ở phía sau bụng, dưới lồng ngực ở cả hai bên cột sống. Người bệnh có thể cảm nhận cơn đau đột ngột, rõ nét, nhói hoặc âm ỉ, ở một hoặc cả hai bên cơ thể. Tình trạng này có thể xuất hiện ngay sau khi uống rượu hoặc ngừng uống, thỉnh thoảng nặng hơn vào ban đêm. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đi tiểu đau, tiểu máu, chán ăn, khó ngủ, đau đầu, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh.
Có nhiều nguyên nhân cụ thể gây đau thận sau khi uống rượu, trong một số trường hợp đây là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng.
Bệnh gan
Bệnh gan dễ gây đau hoặc khó chịu sau khi uống rượu, nhất là gan suy yếu do thói quen thường xuyên uống rượu. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng lưu lượng máu đến thận và khiến cơ quan này lọc máu kém hiệu quả hơn.
Để điều trị bệnh gan, người bệnh nên ngừng uống rượu, giảm cân và áp dụng chế độ ăn uống dinh dưỡng. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật, ghép gan khi suy gan.
Sỏi thận
Sỏi thận có thể hình thành do mất nước khi uống rượu. Uống rượu khi đã bị sỏi thận có thể khiến sỏi di chuyển nhanh, góp phần gây ra và làm tăng cơn đau thận. Điều trị sỏi thận nhỏ bằng cách tăng lượng nước lọc uống vào, dùng thuốc. Sỏi thận kích thước lớn cần được can thiệp y tế để loại bỏ.
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là loại nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), xảy ra khi vi khuẩn từ niệu đạo hoặc bàng quang di chuyển đến một hoặc cả hai quả thận. Các triệu chứng của UTI có thể nghiêm trọng hơn sau khi uống rượu.
Người bệnh cần uống nhiều nước và đi khám ngay. Bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Người bệnh có thể sử dụng miếng chườm ấm hoặc thuốc giảm đau nhằm giảm cảm giác khó chịu. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hoặc tái phát có thể cần phải nhập viện hoặc phẫu thuật.