Thử hỏi,ệnTháal feiha – al-nassr sau mười năm miệt mài đèn sách, còn có chuyện gì vui hơn mai này đăng khoa?
Ba ngày trước, bảng vàng được công bố, khắp nơi trong kinh thành đốt pháo để chúc mừng. Hôm nay lại càng thêm náo nhiệt, muôn người đổ xô ra đường, bảng nhãn* cưỡi tuấn mã, đội mũ lông công đeo dải lụa hoa đỏ, diễu hành quanh hoàng thành một vòng, để cho trăm họ cùng ăn mừng, thuận tiện lấy chút may mắn.
(*) Bảng nhãn: học vị của người đỗ thứ hai, sau trạng nguyên, trước thám hoa.
Mọi người reo hò, trong lòng mang theo hâm mộ, cung chúc bảng nhãn thăng quan tiến triều.
Nhưng thu hút phần lớn ánh mắt mọi người, không phải là trạng nguyên, cũng không phải là bảng nhãn mà là người đứng cuối thám hoa. Trai gái già trẻ đều háo hức ngóng, muốn nhìn thấy tướng mạo của tân thám hoa.
“Trạng nguyên, bảng nhãn chỉ giỏi mỗi thi cử, duy chỉ có thám hoa lang là vừa có thiên phú lại vừa có dung mạo! Nhân trung long phượng*, càng là hiếm thấy!”
(*) Nhân trung long phượng: Rồng phượng giữa loài người, ý chỉ người kiệt xuất, tài giỏi giữa những người bình thường.
Đầu đường cuối ngõ chật ních người, thám hoa lang cưỡi bạch mã lướt qua, chỉ cần liếc mắt một cái đã dẫn đến tiếng gào thét ầm ĩ.
Ngồi trên lưng ngựa là một thiếu niên lang mới chỉ hai mươi tuổi, đầu đội mũ ô sa, mặc quan phục màu xanh cổ tròn, lông mày rậm mắt lá liễu. Giữa ấn đường có một nốt ruồi chu sa, ánh mắt lạnh nhạt, da trắng như tuyết. Dáng người y gầy thẳng, cả người đoan đoan chính chính trong trẻo lạnh lùng, duy chỉ có nốt ruồi nhỏ ở cổ bên trái mới làm tăng thêm chút phong tình kín đáo của y, xứng đáng thanh nhã như diệp, đẹp như gấm.
“Không hổ là thám hoa lang do thánh thượng khâm điểm, dung mạo tuấn tú như vậy, đúng là một trọc thế giai công tử*, không biết cướp mất trái tim của bao nhiêu khuê nữ trong kinh thành rồi….”
(*) Trọc thế giai công tử: công tử tốt đẹp xuất chúng, thanh nhã quý phái giữa trần tục ô trọc hỗn loạn.
“Xưa nay thám hoa hoặc là lấy nữ nhi nhà vương công quý tộc, hoặc là liên hôn với thế gia, tiền đồ vô lượng…..”
“Tiếc là thánh thượng của chúng ta không có tiểu công chúa, chỉ có một người con trai duy nhất. Nghe nói thái tử còn là một bá vương cường đại…”
“Thái tử hay công chúa đều không quan trọng, hoàng thượng còn lập nam tử làm hoàng hậu, làm tiền lệ còn gì.”
“Câm miệng, kẻo rơi vào tội danh hồ ngôn loạn ngữ, vọng ngôn về hoàng gia…”
“Các ngươi không biết hả? Tân thám hoa là con trai của Tống tướng quân đó, tương môn thế gia (gia tộc làm tướng), xuất thân hiển quý!”
“Công tử Tống gia, Tống Lễ Khanh? Nhưng nghe nói y có một người cha nhỏ mở Thanh Liên quán, là một tú bà trứ danh…”
“Còn không phải sao, Tống Lễ Khanh chỉ là con nuôi của bọn họ, nói đúng ra là một cô nhi không rõ lai lịch…”
“Suỵt — tới rồi tới rồi!”
Tiếng nghị luận vang lên không ngừng bên tai, Tống Lễ Khanh không có phản ứng gì.
Y lớn lên trong lời đàm tiếu, thành kiến và chửi rủa, đối với những thứ này y đã quen rồi.
Tống Lễ Khanh tự biết thiên phú của mình bình thường, vì vậy y chăm chỉ học tập hơn người khác gấp mười lần, gian khổ rèn luyện ngày đêm. Mùa hè nóng nực muỗi đốt, mùa đông lạnh giá rét thấu xương. Thức khuya dậy sớm, cố gắng đến mức làm hỏng cả đôi mắt để lại bệnh kín, có ai biết nỗi cực khổ ở trong đó.
Chí ít bây giờ y đã thành công, làm rạng danh gia tộc, không làm mất mặt hai cha, không phụ ngôi nhà cho y che mưa che nắng, cho y ấm áp.
Người dân trong kinh thành rất cởi mở, thầm cho phép các nữ nhi khuê các dồn dập ném những túi thơm và khăn gấm để tỏ lòng ngưỡng mộ, Tống Lễ Khanh nhận được một giỏ tín vật tỏ tình, y mỉm cười gật đầu đáp lại mọi người. Cảm ơn từng người một, nhưng toàn bộ tâm trí y lại đặt ở một chuyện khác, so với lúc đi học còn khiến y vui vẻ tung tăng hơn nhiều–
“Công công.” Tống Lễ Khanh nghiêng người hỏi thái giám trẻ tuổi đang dắt ngựa, “Nghe nói mấy ngày nay, quân Tây Bắc sẽ khải hoàn hồi kinh?”
Tiểu thái giám ngoảnh đầu lại đáp: “Đúng vậy.”
Nhận được câu trả lời khẳng định, lòng Tống Lễ Khanh khẽ động, vô thức chạm vào chiếc tua rua màu vàng đã phai màu buộc bên hông.
Quân Kỳ Ngọc sắp trở lại! Vị thái tử kim tôn ngọc quý, một tiểu ma đầu nhỏ hơn y hai tuổi.
Tiểu thái giám ân cần nói: “Thám hoa đại nhân yên tâm đi ạ, Tống tướng quân nhất định sẽ bình an vô sự.”
Tống Lễ Khanh không khỏi cảm thấy xấu hổ, cha y cũng giữ ấn soái ở Tây Vực nhiều năm, vậy mà y chỉ một lòng nhớ đến tiểu ma đầu mười năm chưa gặp kia, đúng thật là vô lương tâm.
Y gấp gáp hỏi: “Vậy rốt cuộc khi nào mới có thể về đến kinh thành?”
Tiểu thái giám đáp: “Việc này thì ai biết được ạ? Tất cả tùy thuộc vào tâm tình du ngoạn của thái tử… “
Khi đó Quân Kỳ Ngọc mới năm sáu tuổi, bởi vì bắt nạt cung nữ thái giám trong cung, người người oán trách, nên bị phụ hoàng hắn đuổi đi thư viện học lễ nghi liêm sỉ, vì vậy mới có tình cảm ngồi cùng bàn một năm với Tống Lễ Khanh.
Ngay khi tiểu bá vương này vừa đến thư viện, đã đánh bạn đồng môn, ép Tống Lễ Khanh làm bài tập về nhà cho hắn, làm không ít chuyện ác. Hắn mặc dù bá đạo ngang ngược hỉ nộ vô thường, nhưng lại đối xử với Tống Lễ Khanh không tệ, làm chỗ dựa cho y, kể cả đánh nhau cũng là vì y bị một kẻ ngốc bắt nạt nên mới đánh.
Quân Kỳ Ngọc còn hạ thuốc tiêu chảy cho lão phu tử, dẫn Tống Lễ Khanh cùng nhau trốn học, đến hiện trường kén rể của người ta gây rối, cướp tú cầu bằng lụa của người ta, kéo Tống Lễ Khanh chạy khắp phố.
Chiếc tua rua mà Tống Lễ Khanh đang mang theo bên mình, là do Quân Kỳ Ngọc kéo từ quả tú cầu xuống đưa cho y, mặc dù trông nó đã cũ đến mức bạc phếch nhưng Tống Lễ Khanh cũng không nỡ ném nó đi.
Chuyện cũ rành rành ở trước mắt, sau khi rời khỏi thư viện Quân Kỳ Ngọc liền mất liên lạc, nghe nói hắn bị quản thúc rất nghiêm. Qua mấy năm, hắn lại đi Tây Vực để rèn luyện, Tống Lễ Khanh cũng đi phương Nam học, hai người trời nam đất bắc, từ đó không gặp lại nhau nữa.
Nhưng trong lòng Tống Lễ Khanh luôn có một hình bóng, nhớ nhung suốt mười năm. Mấy ngày nay có không ngớt bà mối đến Tống phủ nói chuyện mai mối, nói chuyện yêu đương nam nữ, cái bóng này càng trở nên rõ ràng, gạt cũng không đi.
“Tránh ra! Tránh ra!” Sau lưng truyền đến tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng hét làm cắt ngang suy nghĩ của Tống Lễ Khanh.
“Thái tử hồi kinh!”
Kỵ binh mở đường, bách tính tránh sang, ngay cả đoàn người Tống Lễ Khanh cũng dắt ngựa tránh qua một bên.
Tống Lễ Khanh ló đầu nhìn đội ngũ tiến vào thành, không khỏi cảm thấy hồi hộp và mong đợi.
Quân đội uy nghiêm, quân Tây Bắc giương cao cờ hiệu nước Đại Cảnh và quân Tây Bắc, từng nhóm xe ngựa kéo tù binh và chiến lợi phẩm, biểu dương chiến công hiển hách của bọn họ. Lần khải hoàn này được dân chúng đứng sắp hàng hai bên đường, tự phát quỳ xuống nghênh đón.