Bệnh viện Chợ Rẫy luôn quá tải nhiều năm qua. Cùng quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học cho hay, việc đặt máy, mượn máy giảm được gánh nặng chi phí nhà nước, phù hợp với quốc tế, được áp dụng ở nhiều nước giàu.
Theo bác sĩ Tùng, ở các quốc gia khác, máy đặt hay mượn trong 3-5 năm sẽ có hóa chất trọn gói 3-5 năm. Phần lớn máy móc hóa chất hiện nay là máy đóng, hóa chất vật tư đi kèm, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, máy không thể vận hành hoặc nếu có cũng không cho kết quả chính xác.
Bác sĩ Tùng thẳng thắn, chủ trương của Bộ Y tế là liên thông xét nghiệm đòi hỏi chuẩn thì máy móc phải chuẩn.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán, cho hay, cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện không tính khấu hao. Bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay, các đời máy đều đã cũ, "lấy tiền đâu mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt".
“Chúng tôi đề xuất trong giai đoạn khi chưa cơ cấu khấu hao vào giá, cần phải cho phép máy đặt, máy mượn. Nếu không, bệnh viện phải đóng cửa vì hầu hết các hệ thống máy đều đặt và mượn, đi theo hóa chất đặc thù”, bà Hải nói.
Gỡ khó trong đấu thầu
Về vấn đề đấu thầu hóa chất, Tiến sĩ Hải lấy ví dụ, mỗi loại điện thoại sẽ có đầu cắm khác nhau theo từng hãng máy, hóa chất đi theo máy đóng cũng tương tự. Vì thế khi đấu thầu hóa chất đóng, rất khó, thậm chí là không thể có đủ 3 bảng báo giá theo quy định đấu thầu hiện tại.
“Vô tình khi đấu thầu hóa chất lại tạo nên độc quyền, lại thêm một cái sai nữa”, bà Hải nói.
Thạc sĩ Huỳnh Hữu Pho, Trưởng phòng Trang thiết bị Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế tại bệnh viện rất nhiều nhưng gặp khó khăn.
Thứ nhất là việc xác định giá, bao gồm giá đầu vào để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi đấu thầu có kết quả, giá chọn phải thấp hơn giá kê khai của nhà thầu.
Tuy nhiên thiết bị y tế là thiết bị đặc thù, giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấu thành, tính năng của thiết bị, yêu cầu kỹ thuật. Nếu nhà cung cấp không cung cấp cụ thể thông tin từng phần của thiết bị, việc xác định giá phù hợp rất khó.
Tiếp đến, một số thiết bị thế hệ mới chưa cung cấp về Việt Nam, một số thiết bị đặc thù, công nghệ cao cũng hạn chế nhà sản xuất. Ví dụ, máy xạ trị hiện chỉ có 2 nhà sản xuất trên thế giới, nên việc lập kế hoạch mua sắm căn cứ trên 3 báo giá là rất khó.
Máy móc, trang thiết bị hiện là khó khăn rất lớn của các bệnh viện. Đại diện các khoa phòng dẫn chứng, có những mặt hàng trong thời điểm đánh giá hồ sơ thầu vẫn còn lưu hành nhưng khi dự thầu đã hết hạn, không thể mua được. Ngoài ra, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung mà Bộ Y tế quy định. Điển hình là tất cả sản phẩm liên quan đến nhựa PVC, bị biến động bởi giá dầu thế giới.
“Gần đây chúng tôi mới mua được bơm kim tiêm một cách chính thống. Cứ báo giá ngày hôm nay, làm xong kế hoạch nhưng 2 tháng sau chính đơn vị báo giá đó không dự thầu nữa. Người ta nói là giá đã cũ rồi”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược, nói.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị sớm điều chỉnh tính đúng tính đủ cơ cấu giá dịch vụ y tế. Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đủ, chỉ tính 4/7 thành phần. Ba phần chưa tính là khấu hao tài sản, phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện; chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ.
Bệnh viện Chợ Rẫy được giao thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính qua các giai đoạn:
Từ năm 2005 đến năm 2008: tự chủ theo nhóm 3, tự đảm bảo một phần hoạt động chi thường xuyên.
Từ năm 2009 đến năm 2021: tự chủ theo nhóm 2, tự đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên (theo Nghị định 43).
Từ năm 2022 : tự chủ theo nhóm 2 , tự đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên (theo Nghị định 60).
">