Đây chắc chắn không phải là năm khởi đầu của Google, bởi lúc này, Google đã xuất hiện được hơn 1 thập kỷ rồi. Sau một đợt IPO hoành tráng vào năm 2004, công ty lần lượt tung ra (hoặc mua lại) Google Maps, Android, YouTube, Chrome, và nhiều dịch vụ khác – những sản phẩm đã giúp công ty củng cố vị thế lãnh đạo ngành công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên, Google không ngủ quên trên chiến thắng và tiếp tục ra mắt chiếc smartphone Nexus One thông qua hợp tác với HTC vào năm 2010. Máy chạy Android 2.1 Éclair, sau đó được nâng cấp lên Gingerbread. Tuy nhiên, Nexus One lại không được đánh giá cao như Nexus S ra mắt vào cuối năm đó - một thiết bị do Samsung phát triển, và dù vẫn có chút lỗi, nó đã tạo dựng nền tảng cho các thiết bị của Google sau này.
Năm 2010 còn là khởi đầu của một sự kiện ảnh hưởng đến Google suốt cả thập kỷ: vụ kiện với Oracle. Vụ kiện này xoay quanh việc sử dụng các đoạn mã và API nguồn mở; kết quả của nó có thể sẽ gây ra những tác động lớn lên toàn ngành công nghệ. Google đã nhận được hai phán quyết có lợi, nhưng phán quyết gần đây nhất đã đảo ngược hai phán quyết trước. Trận chiến vẫn tiếp diễn hết sức gay gắt, và tòa án tối cao nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong năm 2020.
2011: ra mắt các dịch vụ mới, CEO cũ trở lại
Năm 2011 bắt đầu với một sự xáo trộn lớn trong đội ngũ lãnh đạo công ty: Eric Schmidt rời vị trí sau 10 năm làm CEO Google. Larry Page trở lại vai trò lãnh đạo công ty, đánh dấu một bước chuyển trong chiến lược nhằm tiếp tục duy trì phong cách startup của Google, thay vì trở thành một công ty lớn đơn nhất như Microsoft.
Fan của Chromebook sẽ nhớ về năm 2011 – chính là năm Chrome OS ra mắt. Phần mềm mã nguồn mở nhẹ nhàng này hiện chạy trên hang triệu thiết bị dung trong các trường học trên toàn thế giới, và Google tiếp tục thể hiện sự tận tâm với nền tảng khi gần đây đã tung ra nhiều mẫu Chromebook cao cấp như Pixelbook Go.
Biết rõ rằng tương lai của công ty phụ thuộc vào chất lượng truy cập Internet của người dung, Google đã triển khai dịch vụ gigabit-internet Google Fiber tại thành phố Kansas vào giữa năm 2011. Dịch vụ này sau đó được triển khai ở 8 khu vực khác, trước khi bị đình lại. Đây là một nước đi táo bạo, thách thức các công ty viễn thông phải tìm cách đẩy nhanh các gói Internet tốc độ cao của họ - và Google đã đạt được những thành công nhất định, dù có phần hạn chế.
Trong một nỗ lực nhằm "ăn theo" thành công rực rỡ của Facebook, Google cũng tung ra nền tảng mạng xã hội yểu mệnh của riêng mình: Google Plus. Dịch vụ này được xây dựng dựa trên những thử nghiệm trước đây, như Google Wave và Google Buzz, nhưng cuối cùng đã bị đóng cửa vào năm 2019.
Một dịch vụ lớn khác được tung ra trong năm 2011 là Google Wallet (sau đó chuyển thành Google Pay). Phải mất nhiều năm, Wallet mới tiến hóa thành một hệ thống thanh toán một chạm tiện lợi như Google Pay hiện nay, nhưng ít nhất thì Google cũng đã xây dựng được nền móng trước khi Apple Pay đưa ý tưởng thanh toán một chạm đến với số đông người dùng.
Về mảng phần cứng, Google mua Motorola Mobility với giá hơn 12 tỷ USD, dù họ chưa bao giờ thực sự tận dụng được trọn vẹn món hàng mua được. Google sau đó đã bán Motorola cho Lenovo với giá dưới 3 tỷ USD. Dẫu vậy, Android vẫn tăng trưởng thần kỳ trong năm 2011, và chính thức trở thành hệ điều hành di động lớn nhất tại Mỹ.
2012: Google Glass ngã sấp mặt
Cảnh tượng được chờ đợi nhất năm 2012 chính là màn ra mắt Google Glass tại một sự kiện mà trong đó bao gồm một màn nhảy trực tiếp, và cũng là lần cuối cùng Sergey Brin xuất hiện công khai dưới vai trò lãnh đạo công ty. Google Glass được ca tụng là công nghệ của tương lai, nhưng nhanh chóng bị cấm tại nhiều nơi vì những quan ngại liên quan bảo mật và quyền riêng tư. Chiếc kính này sau đó đã được "thay máu" thành một công nghệ dành cho doanh nghiệp vào năm 2017.
Một sự kiện có tính tích cực hơn là sự xuất hiện của tablet Nexus 7 – một thiết bị Nexus giá khá tốt. Đây là thiết bị đầu tiên được cài sẵn Android 4.1 Jelly Bean với hang loạt các cải tiến về hiệu năng nhờ Project Butter.
2012 cũng là năm Google hợp nhất các dịch vụ đám mây di động và chợ điện tử của mình vào Google Play Store. Chợ ứng dụng của Google lúc này vẫn kém hơn App Store của Apple, nhưng cả hai hiện đã trở thành những nguồn doanh thu cực lớn cho hai công ty.
2013: Chromecast và những sản phẩm thử nghiệm táo bạo
Tiếp nối xu hướng thích thử nghiệm của Page và Brin, Google công bố thành lập Calico vào năm 2013. Công ty mới này sẽ tập trung vào các giải pháp chống lại bệnh tật gây ra bởi tình trạng lão hóa, dù rằng đến nay họ vẫn chưa sản xuất được bất kỳ loại thuốc hay phương thức chữa trị khả thi nào.
Một sản phẩm mới lạ khác là Chromecast, đến nay vẫn là một sản phẩm được yêu thích bởi rất nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Tại thời điểm ra mắt, nó chỉ hỗ trợ một lượng ứng dụng hạn chế, nhưng qua nhiều năm, mọi dịch vụ stream đều đã bắt tay với Chromecast.
Trình đọc tin RSS phổ biến là Google Reader bị đóng cửa vào năm 2013 vì số lượng người dùng quá ít. Các trình thay thế chưa bao giờ thu hút được người dùng, vì các feed kiểu Facebook – vốn dễ điều khiển hơn – đã trở nên phổ biến.
2014: thâu tóm nhiều hơn, Andy Rubin ra đi
Đây là năm mà Google thực hiện nhiều thương vụ mua sắm khá thú vị nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trong thế giới công nghệ. Đầu tiên là Nest, được Google thâu tóm với giá 3,2 tỷ USD. Tiếp theo là DeepMind, chuyên về trí tuệ nhân tạo, đã đóng góp cho nhiều sản phẩm và dịch vụ của Google thông qua những cải tiến trong thuật toán và machine learning. Các thương vụ thâu tóm khác trong năm 2014 bao gồm Boston Dynamics (sau đó được bán lại cho SoftBank) và Waze.
Google còn tung ra Android Wear vào năm 2014, sau đó đổi tên nó thành Wear OS vào năm 2018. Qua nhiều năm, hệ điều hành cho smartwatch này đã nhận được nhiều cải tiến, nhưng cho đến nay, nó vẫn là một thứ gì đó không phù hợp lắm cho người tiêu dùng thông thường.
Sự kiện lớn của năm 2014 là Andy Rubin – từng là một nhân tố quan trọng của đội ngũ phát triển Android kể từ những ngày đầu – rời Google. Tại thời điểm đó, người ta nghĩ rằng ông ra đi trong êm ả, nhưng một bài báo năm 2018 trên tờ New York Times đã tiết lộ rằng Andy Rubin bị buộc phải rời công ty vì những hành vi tình dục sai trái của mình. Quyết định của Google nhằm che dấu nguyên nhân vụ việc, cũng như xuất chi cho ông này 90 triệu USD sau đó, đã trở thành một vấn đề lớn gây tranh cãi trong công ty nhiều năm sau đó.
2015: A cho Alphabet, G cho Google
Dưới thời kỳ của Page và Brin, Google đã trở thành một đế chế hung mạnh với vòi bạch tuộc vươn ra rất nhiều ngành công nghiệp đến mức các nhà đầu tư đôi lúc chẳng biết họ đang mua cái gì nữa! Để giúp tách mảng kinh doanh cốt lõi của Google khỏi các dự án thử nghiệm như Calico và Google Glass, công ty đã tự tái cơ cấu thành một loạt các công ty con, hoạt động dưới trướng một công ty mẹ là Alphabet.
Google, Android, YouTube, và các mảng cốt lõi khác được gộp lại với nhau, và tất cả các công ty khác sẽ hoạt động như các công ty con tách biệt của Alphabet. Sundar Pichai được bổ nhiệm làm CEO của Google, Page chuyển sang làm CEO của Alphabet. Dưới góc nhìn của người dùng, mọi thứ hầu như chẳng thay đổi là bao.
2015 cũng là năm Google Fi ra mắt – đây là một gói cước di động giá rẻ, có thể chuyển đổi giữa các mạng để mang lại cho khách hàng tầm phủ sóng tốt nhất. Đến năm 2019, dịch vụ này vẫn sống khỏe, dù rằng nó mới chỉ được triển khai ở Mỹ mà thôi
Dòng sản phẩm Nexus chính thức bị Google khai tử, với các sản phẩm cuối cùng là Nexus 6P và Nexus 5X do Google hợp tác sản xuất với Huawei và LG. Đây là những thiết bị ra mắt cùng Android 6.0 Marshmallow, phiên bản hệ điều hành hiện đang được sử dụng bởi hơn 10% người dùng Android trên toàn cầu.
2016: hé lộ phương hướng mới, hiện đại hơn của Google
2016 là một năm lớn đối với Google. Với trọng tâm mới đặt vào bộ phận dưới sự lãnh đạo của Sundar Pichai, đây là năm mà nhiều yếu tố lớn trong chiến lược hiện tại của Google bắt đầu gặt hái được kết quả. Những tiến triển đáng kể nhất, khá ngạc nhiên, lại đến từ mảng phần cứng, với nhóm "Made by Google" tung ra Google Pixel và Pixel XL cùng Google Home – cả hai đều được trang bị trợ lý ảo Google Assistant.
Dòng Google Pixel đã thay thế dòng Nexus, nhưng Google cũng can thiệp sâu hơn vào quá trình phát triển (dù vẫn hợp tác với HTC). Họ dồn sức cho hiệu năng camera, trải nghiệm người dùng, và tích hợp những "ma thuật" mới nhất của Google – tất cả đều chỉ có được nhờ quá trình phát triển mà Google kiểm soát trực tiếp.
Một trong những ma thuật nói trên là Google Assistant, ra mắt hồi đầu năm 2016 cùng với loa thông minh Google Home. Nó được phát triển trên nền tảng người đi trước là Google Now, và dù chậm chân đến 2 năm sau Alexa của Amazon và 5 năm sau Siri của Apple, Assistant hiện là một trong những trợ lý giọng nói hàng đầu thị trường.
2016 còn là năm công ty xe tự lái Waymo tách ra thành công ty riêng dưới trướng Alphabet. Đây là một trong những công ty thành công nhất của Alphabet (ngoài Google) cho đến thời điểm này, với một dịch vụ taxi tự động được thử nghiệm tại Phoenix, Arizona vào năm 2017.
2017: Pixel 2 và khởi đầu của những rắc rối pháp lý lớn
2017 là một năm tương đối yên lặng đối với Google sau một năm 2016 đầy sôi động. Trong một nỗ lực nhằm tái hiện thành công của chiếc điện thoại Pixel đầu tiên, Google đã chi hơn 1 tỷ USD mua về bộ phận phần cứng của HTC. Bên cạnh chuyên môn và các tài sản trí tuệ, thương vụ này mang lại cho Google một chỗ đứng tại châu Á lần đầu tiên trong lịch sử phát triển.
Về phần các thiết bị, Google tung ra một mẫu Chromebook cao cấp – chiếc Pixelbook thế hệ đầu, và hai loa thông minh mới – Google Home Mini giá rẻ và Google Home Max giá không hề rẻ. Chúng là những trụ cột trong gia đình các thiết bị "Made by Google" trong nhiều năm tiếp theo. Số phận của headset VR Google Daydream và camera Google Clips thì không được may mắn như vậy.
Trong lĩnh vực điện thoại, Pixel 2 và 2 XL là những kẻ kế vị xứng đáng của hai mẫu Pixel đời đầu, và giúp củng cố vị thế thống trị của Google đối với phần mềm camera. Camera của Pixel 2/2 XL vẫn thuộc hàng đỉnh trong năm tiếp theo, và các cập nhật camera gần đây, như Night Sight, tiếp tục giúp nó trở thành một sự lựa chọn không tồi trong năm 2019.
Tuy nhiên, hai mẫu điện thoại này không thoát khỏi tranh cãi. Các vấn đề về màn hình, thiết kế tầm thường, và sự thiếu vắng jack headphone, đã khiến chúng bị chỉ trích nặng nề. Việc không có jack headphone là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, bởi Google từng mỉa mai iPhone 7 của Apple vì làm điều tương tự 1 năm trước. Chưa hết, họ còn chẳng bán kèm headphone USB-C trong hộp, và bán adapter headphone với giá đắt gấp đôi so với Apple tại thời điểm ra mắt nữa.
Vận rủi đeo bám Google trên nhiều lĩnh vực khác, mà đen đủi nhất là án phạt chống độc quyền lên đến 2,7 tỷ USD bởi EU. Đây là mức án phí cao nhất từng được đưa ra bởi các cơ quan quản lý, và nguyên nhân của bản án này xuất phát từ việc Google cho hiển thị các mặt hàng trên Google Shopping bên cạnh các mặt hàng khác trong danh sách kết quả tìm kiếm.
Đây cũng là năm các scandal về phân biệt giới tính tại Google bắt đầu nở rộ, với việc bản ghi chú của James Damore tiết lộ một vài vấn đề nghiêm trọng liên quan văn hóa công ty. Nhiều vụ kiện xuất hiện vào đầu năm 2017, cáo buộc Google không trả lương công bằng cho nữ giới, và tình hình còn tệ hơn sau hàng loạt các tiết lộ khác trong năm tiếp theo.
2018: Slate, scandal, lại bị phạt, và tuần hành
Năm 2018 là năm Google kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20, dù ở thời điểm này, họ hầu như không còn giữ lại nét gì của công ty tìm kiếm từng được sáng lập vào năm 1998 nữa. Công ty tiếp tục tung ra hai mẫu smartphone mới thuộc dòng Pixel là Pixel 3 và 3 XL, cũng là hai mẫu smartphone hoàn thiện nhất của hãng cho đến nay, được phát triển dựa trên những điều đã mang các điện thoại Pixel thế hệ trước lên đỉnh vinh quang (trừ cái tai thỏ kỳ quặc trên 3 XL).
Đây cũng là năm Google mở rộng trên lĩnh vực nhà thông minh với sản phẩm màn hình thông minh Google Home Hub. Google Assistant cũng nhận được một bản cập nhật lớn với Google Duplex, tính năng sử dụng AI để nhại lại cách nói chuyện tự nhiên của con người, từ đó thực hiện các cuộc gọi thay cho người dùng. Ban đầu, Duplex chỉ giới hạn trong việc đặt chỗ nhà hàng, nhưng trong năm 2019, nó đã có thể điền vào các đơn từ trực tuyến mà không cần bạn phải nhập trực tiếp nữa thông qua Duplex trên web.
Nhưng trên mảng tablet, mẫu Pixel Slate của Google vẫn không thể lật đổ được iPad của Apple, bởi nó quá nhiều lỗi và quá đắt đỏ. Google sau đó đã ngừng phát triển dòng tablet mới này, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy nó trên các cửa hàng trực tuyến.
Mặc cho công việc kinh doanh tốt hơn bao giờ hết, Google tiếp tục vướng vào hàng loạt các scandal và án phạt. Đầu tiên là án phạt chống độc quyền lên đến 5 tỷ USD bởi Ủy ban châu Âu (EC), phá kỷ lục mức án EU đưa ra mới chỉ một năm trước, lần này xoay quanh các dịch vụ Google và trình duyệt Chrome cài sẵn trên các thiết bị Android mà theo EC là làm hạn chế tính cạnh tranh của các trình duyệt và bộ máy tìm kiếm khác.
Nếu chừng đó vẫn chưa đủ, 2018 còn là năm câu chuyện về Andy Rubin vỡ lỡ, dẫn đến một cuộc tuần hành quy mô lớn của các nhân viên tại các văn phòng Google trên toàn thế giới nhằm yêu cầu những thay đổi. Tệ hơn là những người tổ chức tuần hành khẳng định họ bị Google đưa vào danh sách trả thù, khiến ít nhất một người trong số đó phải rời công ty trong chưa đầy một năm sau đó.
Các scandal khác liên quan Google xuất hiện dày đặc khắp các mặt báo còn bao gồm việc hãng này tung ra một bộ máy tìm kiếm có kiểm duyệt tại Trung Quốc và ký kết các hợp đồng phát triển AI cho drone của quân đội Mỹ - cả hai đều phải nhận vô vàn chỉ trích từ giới báo chí.
2019: điện thoại Pixel giá rẻ, Google Stadia, và sự thăng hoa của Sundar Pichai
2019 đánh dấu bước chuyển lớn đầu tiên trong chiến lược phần cứng của Google kể từ năm 2016, với việc hãng ra mắt hai mẫu smartphone tầm trung Pixel 3a và Pixel 3a XL. Chúng mang hầu như mọi tính năng đặc sắc trên các điện thoại Pixel cao cấp xuống phân khúc tầm trung. Trong khi đó, Pixel 4 tiếp tục là con át chủ bài trong chiến lược phần mềm của Google, dù gặp phải nhiều vấn đề từng xảy ra trên các thế hệ thiết bị trước đó.
Google còn tận dụng cơ hội để "thay tên đổi họ" (rebrand) hai trong số các sản phẩm nổi tiếng nhất trong năm 2019. Phiên bản Android mới nhất không còn được đặt tên theo kiểu ký tự truyền thống mà thay bằng cách đặt tên bằng số. Việc đổi tên Android Q thành Android 10 không đơn thuần chỉ là đổi tên, mà còn mang đến một logo và phong cách phối màu mới nữa.
Một sản phẩm lớn khác được Google rebrand – nói sáp nhập thì đúng hơn – là Google Home kết hợp với Nest để tạo thành Google Nest. Về mặt kỹ thuật, Nest đã hoàn toàn sáp nhập vào Google vào năm 2018, nhưng những sản phẩm đầu tiên được mang tên mới là Google Nest Hub Max và Google Nest Hub (trước đây là Google Home Hub).
2019 còn là năm Google công bố một dịch vụ game đám mây mang tên Google Stadia, cho phép người dùng chơi các tựa game AAA mà chỉ cần một controller và đường truyền Internet. Khi mới ra mắt hồi tháng 11, nó vẫn thiếu một số tính năng được hứa hẹn, và chưa rõ phiên bản miễn phí ra mắt trong năm 2020 này của Stadia có bù đắp được cho khởi đâu không suôn sẻ kia hay không.
Cuối cùng, trong một động thái khá bất ngờ, Larry Page đã từ chức CEO Alphabet vào cuối năm 2019, nhường chỗ cho CEO Google là Sundar Pichai lên nắm quyền. Có nghĩa là Google lẫn Alphabet đều sẽ được điều hành bởi cùng một người, khiến nhiều người tự hỏi vì lý do gì mà trước đây cả hai lại phải tách ra như vậy. Hiện chúng ta vẫn chưa thấy được hệ quả sau động thái này, nhưng chắc chắn trong năm 2020, mọi chuyện sẽ rõ rang hơn.
Minh.T.T
" alt="Nhìn lại 1 thập kỷ của Google: quá nhiều vấp ngã, quá nhiều đổi thay"/>