Chúng tôi đến cửa phòng nhìn vào trong. Bé gái đang ôm con cá sấu bông đem đến giữa phòng. Bé vừa quỳ vừa đi, nhanh nhẹn và vui vẻ...Mẹ bé từ trong bước ra chào và mời chúng tôi vào. Bé đã nằm trên mình cá sấu. Đôi mắt bé sáng, nhìn chúng tôi và lên tiếng, 'Con chào ông'. Chúng tôi nhìn bé. Dường như có chút bẽn lẽn, bé nằm úp mặt vào lưng cá sấu.
'Cháu mắc cỡ với người lạ nhưng cũng chỉ một chút thôi', mẹ cháu nói. Mà thật vậy, chỉ một lát sau, bé bật dậy chạy nhanh vào lòng mẹ. Lúc này, chúng tôi mới nhìn kỹ, bé đi bằng đầu gối. Hai chân bé không còn. Hai tay bé cũng mất. Chỉ còn cánh tay.
 |
Hai mẹ con, chị Huyền và Susu. |
Bé có tên ở nhà là Susu. Trong khai sinh, bé là Lê Ngọc Quyên năm nay vừa tròn 5 tuổi. Mẹ bé, chị Cao Thị Lệ Huyền 37 tuổi, quê quán ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Hiện hai mẹ con đang ở tại phòng trọ gần chợ Gò Đen (xã Phước Lợi, H. Bến Lức, Long An).
Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của chị. Chị buồn rầu cho biết, hiện nay chị đang rất khó khăn. Từ khi dịch Covid 19 bùng nổ, chị không thể ra ngoài mưu sinh.
Trước đây, mỗi ngày, cứ từ 16h chiều, mẹ đẩy con trên chiếc xe lăn đi khắp vùng Bến Lức để bán vé số. Phải làm sao bán cho hết 150 tờ mới đủ chi phí cho 2 mẹ con trong một ngày nên dù sớm hay muộn chị cũng phải cố.
'Mẹ ơi, cho con uống nước'. Chị Huyền nhìn bé vừa cười vừa nói, 'Con cầm ly uống cho ông xem nhé'. Bé gật đầu. Chị lấy ly nước để trước mặt bé. Susu đưa 2 khuỷu tay kẹp chặt ly nước đưa lên miệng. Bé uống một hơi hết sạch rồi để ly xuống ...
'Ông thấy cháu giỏi không?'. Chị hỏi nhưng không đợi trả lời, chị nói tiếp, 'Hơn 2 năm rồi đó ông ơi. Cháu sinh ra vào tháng 3/2015, bình thường như bao đứa trẻ khác. Cháu cũng lớn lên theo thời gian, bất ngờ đến đầu tháng 6/2017 cháu bị sốt nặng hai tay hai chân bầm đen phải vào Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ khám, cho biết cháu bị nhiễm trùng máu và đang có dấu hiệu hoại tử cả hai tay và hai chân.
Sau một thời gian điều trị, cháu phải cắt bỏ hai bàn tay và một phần chân, chỉ chừa lại đầu gối. Cũng nhờ thế mà cháu còn quỳ để lui tới được'.
Ông biết không - chị Huyền nói tiếp, 'Khi Susu được đưa ra từ phòng mổ, là người mẹ, cháu cảm thấy như đất trời sụp đổ. Nhìn con, nằm thiêm thiếp, hai tay hai chân băng kín trắng toát mà lòng đau như cắt. 3 tháng ở bệnh viện, cháu được về nhà.
Lúc này, gánh nặng đè lên đôi vai cháu. Tiền ăn, tiền ở, tiền thuốc cho con. Lấy đâu ra bây giờ? Trước kia, ông xã đi làm thuê cùng với cháu nuôi con. Giờ thì con như thế, khó quá đành phải chia 2 gia đình. Ba bé Susu cùng con trai 10 tuổi về quê Cai Lậy (Tiền Giang). Cháu với Susu ở lại để tiện lui tới bệnh viện điều trị cho bé. Nhưng ở Sài Gòn, tiền nhà cao quá cháu đành phải về đây rẻ hơn. Thấm thoát đã được 2 năm rồi. Susu cũng đã tập đi bằng đầu gối. Cháu đi nhanh lắm nhưng chỉ ở trong nhà thôi. Ra ngoài thì phải bế.
 |
Susu tự cầm muỗng để múc nước. |
Susu mỗi ngày mỗi lớn. Xương chân phát triển dài ra nên một năm phải đi cắt xương một lần. Bác sĩ cho biết phải cắt đến 18 tuổi mới hết. Bởi thế, cháu muốn cho bé đến trường để còn kiếm công việc khác mưu sinh ổn định hơn nhưng không trường nào chịu nhận bé. Bé rất thích học. Ở nhà cháu dạy cho bé đọc, tập cho bé viết. Hai bàn tay không còn, thế mà bé cũng cố gắng cầm được viết, viết được chữ trên giấy'.
Những ngày không có vé số, chị được Nhà nước trợ cấp cho một khoản tiền. Bà con xung quanh, người cho gạo người cho thức ăn cũng tạm qua ngày. Chị chỉ mong sao, sau đợt dịch này có nơi nhận bé vào học để ban ngày chị còn rảnh rang kiếm việc làm cải thiện thêm đời sống và lo cho sức khỏe của bé.
Bé Susu đã rời mẹ đi dạo quanh nhà. Thấy bé có vẻ không còn lạ lẫm, tôi gọi bé đến. 'Con thích đi học không?' 'Dạ thích'. 'Con muốn sau này lớn lên con làm gì?'. Bé trả lời chắc nịch: 'Con muốn làm ca sĩ có tiền nuôi ba mẹ'.
Nghe đến đây, chị Huyền bật cười, con muốn làm ca sĩ vậy con hát cho ông nghe đi. Rồi chị quay lại nói với chúng tôi, cháu rất thông minh. Vừa rồi nghe bài 'Về miền tây' vài lần cháu đã thuộc, đã hát theo được.
Bé Susu bước ra giữa phòng. Đứng bằng 2 đầu gối, lấy khuỷu tay làm micro, bé bắt đầu bài hát: 'Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống. Miền Đồng Tháp ruộng lúa mênh mông, yêu tình yêu thắm duyên mặn nồng'.
Giọng non nớt của bé, tiếng tròn tiếng vơi nhưng rất lảnh lót, lúc lên cao, lúc xuống thấp cũng điệu đàng cũng ai oán. Rồi bé tiếp: 'Ai qua Tiền Giang xuống phà Mỹ Thuận. Ai đi Hậu Giang đến bắc Cần Thơ... "
 |
Thường ngày, vào buổi chiều, 2 mẹ con đi bán vé số như thế này. |
Phải chứng kiến, phải nghe bé hát, chứ nếu nghe nói mà không thấy thì không thể tin được một bé gái mới 5 tuổi đã thuộc được bài hát hay đến thế. Chị Huyền cho biết, không phải một bài này mà bé còn thuộc nhiều bài khác nữa.
Dứt bài hát, bé đến gần mẹ thỏ thẻ. 'Mẹ ơi, mẹ mua cho con đôi dép để con mang thì mới lên sân khấu được chứ!'. Tự nhiên nét mặt chị Huyền chùng lại. Biết nói sao với con đây. Mắt chị đỏ hoe và trở nên ươn ướt ...
Hình ảnh bé Susu cứ đọng mãi trong chúng tôi. Chỉ mong sao bé sớm có nơi để đi học, chị sớm có việc làm ổn định và ngoài giờ có thể bán thêm vé số để có điều kiện nuôi bé đến trưởng thành.

Kết ngọt ngào của chàng trai mang 50 khay lễ hỏi cưới cô gái khuyết tật
Với cột sống gù vẹo, thân hình nhỏ bé, bác sĩ khuyên Mai không nên giữ đứa bé, vì thai nhi lớn, có thể gây chèn ép, nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng cô chấp nhận rủi ro, đưa con đến cuộc đời.
" alt="Lời bộc bạch của cô bé 5 tuổi theo mẹ đi bán vé số mỗi tối"/>
Lời bộc bạch của cô bé 5 tuổi theo mẹ đi bán vé số mỗi tối
Những chiếc bánh Hà Nội gửi vùng biênHàng trăm chiếc bánh thạch 3D đẹp mắt đã được chị Trần Thị Phương Nga (SN 1981, Hà Nội) làm và gửi tặng các bác sĩ tuyến đầu, những chiến sĩ biên phòng ở biên giới làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Chị Nga cho biết, giai đoạn này, ngoài các bác sĩ tuyến đầu thì lực lượng quân đội cũng vất vả, đặc biệt là những vùng giáp biên. Họ phải trực chốt 24/24h từ Tết cho đến nay trên những chiếc lều, lán dựng tạm, điều kiện thiếu thốn và chưa được về nhà.
 |
Các bạn nhỏ cùng chị Nga làm bánh tặng bộ đội biên phòng ở Nghệ An và Quảng Trị. |
Chị muốn làm gì đó để bày tỏ sự trân trọng trước những đóng góp của họ cho Tổ quốc.
Bên cạnh đó, thời gian nghỉ vì dịch, tại chung cư chị sinh sống, các bạn nhỏ ngoài học online, chỉ quanh quẩn trong nhà xem tivi…Vì vậy chị muốn tổ chức chương trình làm bánh thạch để các con tham gia nâng cao ý thức cộng đồng, biết chia sẻ, chung tay cùng cả nước chống dịch.
Chiều 14/4, các bạn nhỏ ở chung cư cùng các phụ huynh đã bắt tay vào làm bánh với quyết tâm 'mỗi chú bộ đội, một bông hoa'.
156 bánh thạch đã được hoàn thành để tặng hơn 120 chiến sĩ trực chốt tại 2 đồn biên phòng Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) và Hướng Lập (Hướng Hoá, Quảng Trị).
‘Các con chưa làm bánh thạch bao giờ, nên rất háo hức. Để làm một chiếc thạch 3D cần rất nhiều công đoạn như làm nền bánh, phần thạch trong, pha màu, tạo hình… Các khâu được phụ huynh chuẩn bị, phần trang trí hoa do các bạn nhỏ đảm nhiệm.
 |
Chị Trần Phương Nga (giữa) |
Sau 30 phút nghe hướng dẫn, các con đã tự tin làm những chiếc bánh thạch hoa 3D xinh xinh của mình. Ban đầu nghĩ các con không làm được nhiều nhưng không ngờ các bạn rất khéo léo, tỉ mỉ, có bạn làm được 20 bánh...’, chị Nga chia sẻ thêm.
Theo chị Nga, vì dịch nên chỉ có thể để các bé tham gia theo số lượng nhỏ, các con làm rất tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm như sát trùng tay trước khi làm, đeo găng tay, khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, không tụ tập trò chuyện.... trong quá trình làm để đảm bảo an toàn.
Sau khi hoàn thành, bánh được làm lạnh và cho vào các hộp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trước khi chuyển đi, bánh được đưa vào thùng xốp, bảo quản bằng đá khô xung quanh để khi vào đến tay các chiến sĩ, bánh vẫn mát lạnh như vừa được lấy từ tủ lạnh ra.
 |
Gần 160 chiếc bánh thạch 16x10cm đã được hoàn thành tặng các chiến sĩ quân đội. |
Số bánh này chị Nga nhờ một nhóm từ thiện vận chuyển để gửi cho các chiến sĩ. 5h sáng ngày 15/4, nhóm tình nguyện đã xuất phát từ Hà Nội chở đồ vào tận nơi cho các chiến sĩ.
‘Nhìn những bức ảnh được gửi về, tôi rơm rớm nước mắt. Các chiến sĩ gương mặt khắc khổ, mồ hôi nhễ nhại, tháo giày ngồi bệt xuống đất ăn thạch, tôi thực sự rất xúc động. Tôi thấy mình làm có vất vả nhưng cũng bõ công. Ngoài gạo, mì tôm… thì bánh thạch là món ăn lạ, mát và phù hợp với cái nóng ở miền Trung’, chị Nga nói.
Vào ngày 18/4, người phụ nữ Hà Nội cũng làm 50 chiếc bánh thạch để tặng bộ đội biên phòng ở tỉnh Quảng Bình để ‘động viên tinh thần các chiến sĩ’.
Thức đêm làm bánh tặng bác sĩ
Trước đó, chị cũng làm bánh thạch để tặng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Món quà của chị đến từ một kỷ niệm rất ý nghĩa. Đó là một học viên trong lớp học làm bánh thạch của chị có em trai là bác sĩ.
‘Chị ấy thường kể chuyện về em trai mình đang ‘trực chiến’ tại BV Nhiệt đới Trung Ương cơ sở 2 (Đông Anh). Một lần chị kể, em trai chị từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đến nay chưa được về nhà.
Vào ngày tết Hàn thực, cả nhà quây quần làm bánh trôi, bánh chay và gọi điện facetime cho em trai. Nam bác sĩ nhìn cảnh ấy đã khóc vì nhớ nhà. Tôi nghe câu chuyện ấy rất xúc động’, chị Nga kể lại.
 |
Những chiếc bánh thạch dành cho các bác sĩ. |
Sau đó, chị học viên rủ chị Nga vào nấu ăn tình nguyện trong bệnh viện nhưng vì nhà có con nhỏ nên chị Nga không thể đi. Chị đã nảy ra ý tưởng làm món tráng miệng (bánh thạch) gửi tặng các bác sĩ và được bệnh viện đồng ý.
Theo số lượng bác sĩ, chị đã làm 12 cái bánh size to (35x12 cm) tặng các bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 (ở Hoàng Mai) và 30 cái tặng BV Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (ở Đông Anh).
 |
Chị Nga đã nhờ người quen gửi bánh đến BV Nhiệt đới Trung ương. |
Cũng theo chị Nga, để hoàn thành, chị phải làm liên tục suốt đêm vì muốn sau khi làm xong sẽ chuyển đi ngay vào buổi sáng, để tới tay các bác sỹ được tươi ngon nhất.
‘Tôi chỉ mong, sau những lúc căng thẳng, áp lực vì chống dịch, họ có giây phút được thư giãn khi thưởng thức những bông hoa thạch đẹp và mát lành’, chị nói.

Cụ ông 96 tuổi ủng hộ 2 tấn gạo chống dịch Covid-19
2 tấn gạo trị giá 30 triệu đồng đã được cụ Vũ Văn Vỵ (ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19.
" alt="Thức đêm làm hàng trăm chiếc bánh thạch tặng bác sĩ, bộ đội biên phòng"/>
Thức đêm làm hàng trăm chiếc bánh thạch tặng bác sĩ, bộ đội biên phòng