Cụ ông Nguyễn Văn Đỉnh và cụ bà Nguyễn Thị Sâm Cả 15 người con của hai cụ sau đó lập gia đình và sinh con. Các cháu trưởng thành, kết hôn, sinh thêm rất nhiều chắt, rồi chút, chít cho hai cụ.
Năm 1984, cụ Đỉnh qua đời, hưởng thọ 75 tuổi (tính cả tuổi Mụ). Cụ bà Nguyễn Thị Sâm mất năm 2007, hưởng thọ 94 tuổi (tính cả tuổi Mụ). Trong 15 người con của hai cụ, có 4 người đã mất. Con trai cả của hai cụ năm nay 90 tuổi. Những người con dâu, con rể hiện đều ngoài tuổi 65.
Tính đến hiện tại, tổng số con cháu của gia đình là hơn 300 người, gồm cả dâu, rể. Trong đó, số con (F1) là 26 người, cháu (F2) là 89 người, chắt (F3) là 129 người, chút (F4) là 67 người và chít (F5) có 6 người.
Ảnh trái: Cụ Đỉnh, cụ Sâm (giữa, hàng đầu) cùng 14 người con Ảnh phải: 15 người con của hai cụ lúc còn đông đủ Xuất phát điểm là nghề nông, khó khăn bộn bề nhưng cụ Đỉnh và cụ Sâm đều cố gắng hết mình để các con đều được học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm. Tất cả các con của hai cụ đều học hết lớp 10, tương đương hết cấp PTTH ngày nay.
Thời xưa, các cụ có nhiều ruộng đất và đó là thứ tài sản quý giá giúp cuộc sống của gia đình khấm khá hơn, con cái nhờ vậy cũng được học hành đến nơi đến chốn.
Khi các con đến tuổi dựng vợ, gả chồng, một tay các cụ lo liệu với mong muốn các con có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Trong số 15 người con của hai cụ, có 2 người làm giáo viên, 3 người công tác trong ngành đường sắt, 1 người làm phó giám đốc công ty giống cây trồng, số còn lại làm các ngành nghề khác.
Sau nhiều năm làm nông, cụ Đỉnh chuyển sang làm kinh doanh, cho khách thuê xe xích lô. Công việc cho thu nhiều lợi nhuận, giúp cụ có tài sản chia cho các con.
Các cháu trai và gái chụp cùng cụ bà năm 2005 Các thế hệ cháu chắt của hai cụ hiện tại cũng đạt nhiều thành tích trong công việc, làm trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như: Giáo dục, y tế, ngoại giao, kinh doanh, xây dựng...
Chị Nguyễn Hồng Chuyên (SN 1982), thuộc thế hệ F2 cho biết, hiện gia đình có hơn 300 thành viên nhưng sống rải rác ở khắp nơi. Vì vậy, việc tụ tập đông đủ không hề dễ dàng.
Thông thường, thế hệ con cháu sẽ dễ tụ tập hơn nên các ngày giỗ, Tết, dù bận đến đâu, mọi người cũng cố gắng thu xếp. Đặc biệt quan trọng là ngày giỗ chung vào tháng 11 âm lịch của hai cụ và ngày mừng thọ các ông bà.
Theo chị, bữa cỗ giỗ thường được chuẩn bị thịnh soạn gồm 22 mâm chủ yếu dành cho con cháu và một số khách mời là họ hàng thân thiết. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần, cùng nhau ăn uống và chia sẻ những câu chuyện gia đình, cuộc sống.
"Lễ mừng thọ trở thành truyền thống của gia đình từ 30 năm trước, khi cụ bà tròn 80 tuổi. Mỗi năm, khi có các cụ trong nhà đến tuổi 80, 85, 90, gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ lớn, long trọng và con cháu sẽ tụ tập đông đủ", chị Chuyên chia sẻ.
Thế hệ F1 trong đại gia đình họ Nguyễn giờ cũng bước sang tuổi "xưa nay hiếm", vì vậy lễ mừng thọ càng được coi trọng. Từ tuổi 70 trở đi, cả gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ để mọi người gặp gỡ, sum vầy, nói cười vui vẻ, chúc phúc cho nhau.
Các chắt nội, ngoại của hai cụ Không chỉ lúc vui vẻ, mà khi hoạn nạn, mọi người cũng luôn ở bên cạnh tương trợ lẫn nhau. Khi có người ốm đau, khó khăn về kinh tế, mọi người đều đến chăm sóc, thăm nom, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần.
Đối với đại gia đình, đó là sự động viên vô cùng lớn lao, là nguồn sức mạnh khó có thể có được.
Không nhớ tên là chuyện bình thường
Trong một gia đình có hơn 300 thành viên, dù mỗi dịp tụ tập có thiếu đi vài gia đình thì số lượng vẫn khiến nhiều người kinh ngạc. Trong bài viết mới đây trên mạng xã hội, con gái chị Hồng Chuyên cho biết, chuyện nhiều người trong gia đình không nhớ tên nhau là bình thường.
Thậm chí, trong buổi tụ tập vui vẻ, các ông, bà còn ra trò chơi, cháu nào đọc đúng thứ tự tên 15 người con của cụ cố thì sẽ được thưởng tiền. Việc dễ mà hóa khó vô cùng bởi không phải ai cũng nhớ được.
"Là người ở thế hệ F3 trong đại gia đình, trong mỗi dịp tề tựu, quây quần sum họp đoàn viên, con vẫn hay gặp phải những tình huống 'dở khóc dở cười' như không nhớ hết mặt, gọi sai tên. Nhưng cảm giác là một phần của một gia đình lớn như vậy thật sự đặc biệt và đầy hứng khởi", một người cháu chia sẻ.
Mỗi chuyến đi chơi xa, cả họ mặc đồng phục, ai cũng phải ngước nhìn. Nhiều người còn nghĩ đây là một công ty chứ không tin đó là một đại gia đình, là những người họ hàng thân thích.
Đại gia đình đi chơi thường bị nhầm là cả công ty Đông con nhiều cháu, việc bếp núc cũng trở nên đặc biệt. Trước đây, khi còn nấu cỗ ngày giỗ, mỗi người một tay, cùng nhau vào bếp góp thêm phần. Tuy đông đúc nhưng tiếng cười nói rôm rả, tiếng trêu đùa nhau lại trở thành "đặc sản" của cả nhà.
Không khí nhộn nhịp trong căn bếp là điều mà rất nhiều người trong đại gia đình họ Nguyễn không thể nào quên.
Thời nay, cỗ nấu đã được thay bằng cỗ đặt, mọi người không phải dọn dẹp, nấu nướng. Cuộc sống lại có cái nhàn hạ và thú vui khác.
Lễ mừng thọ là dịp quan trọng, là ngày truyền thống gia đình để con cháu tề tựu “Với chúng con, gia đình không chỉ là người thân, người cùng một dòng máu mà còn là những người bạn thân thiết, chỗ dựa cả về tinh thần lẫn vật chất. Gia đình con luôn dành thời gian cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Đây không chỉ là một gia đình lớn mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tình thương và gắn kết.
Đại gia đình đông con nhiều cháu, song các thành viên đều là những người có tình cảm, thích cảnh đoàn viên, tụ tập. Bởi lẽ đó mà trong guồng quay hối hả, biến thiên dữ dội của cuộc sống, mọi người vẫn thống nhất cùng nhau ngồi lại quây quần vào mỗi dịp mừng thọ, hay tổ chức đi du lịch cùng nhau, dành nhiều thời gian nhất khi còn có thể”, con gái chị Hồng Chuyên chia sẻ.
Ông bố mù ở Nghệ An có 7 con gái xinh đẹp giỏi giang, tuổi U70 hưởng trái ngọt Ông bố mù ở Nghệ An lần lượt sinh và nuôi 7 con gái học hành thành tài. Ở tuổi U70, vợ chồng ông đang tận hưởng “trái ngọt” sau năm tháng vun trồng.">