Theo hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, lượng người dùng smartphone trên toàn thế giới sẽ vượt qua con số 2 tỷ người vào năm sau. Với hơn 1,9 tỷ người sử dụng smartphone vào thời điểm cuối năm 2015, con số này là điều hoàn toàn khả thi và thậm chí sẽ xảy ra. Lượng người dùng ước tính qua đó sẽ có thể chạm tới 2,2 tỷ người.
Không ngoại lệ khi Android sẽ tiếp tục là kẻ thống trị thị trường di động trong năm 2016 nhờ quy mô và số lượng đông đảo. Trong khi đó, iPhone và nối tiếp là Windows Phone sẽ là những mảnh ghép còn lại của thị trường.
2. Xu hướng smartphone có thể gập sẽ lên ngôi vào năm 2016
Samsung và LG hiện đang là hai cái tên đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm có màn hình cong. Trong năm tới, ngành công nghiệp di động hứa hẹn sẽ thấy nhiều tiến bộ mang tính đột phá hơn nữa đến từ Samsung. Mới đây, một bản vẽ bằng sáng chế của hãng điện tử Hàn Quốc đã tiết lộ về mẫu smartphone đặc biệt có thể gấp gọn nhờ vào cơ chế bản lề linh hoạt. Điều này khá phù hợp với lộ trình ra mắt smartphone màn hình uốn dẻo trong tương lai của Samsung.
Liệu LG G Flex 2 hay Samsung S6 Edge sẽ có những thế hệ kế nhiệm thú vị như thế nào. Chúng ta hãy cùng chờ đón vào năm sau để biết câu trả lời.
3. Đấu tranh quyết liệt hoặc là chết
Hãng nghiên cứu IDC khẳng định rằng, năm 2016 hoặc 4-5 năm tới, hơn 30% số các nhà sản xuất, cung cấp công nghệ thông tin sẽ "không còn tồn tại như ngày nay". Điều này có nghĩa rằng, 1/3 các nhà sản xuất hiện nay sẽ phải nỗ lực để trụ vững trên thị trường nếu không muốn bị cơ chế đào thải của thị trường đá văng ra ngoài. Những doanh nghiệp sản xuất không nỗ lực bứt phá sẽ phải thu hẹp kinh doanh hay lao vào các thương vụ sáp nhập để sống sót.
Năm 2015 chứng kiến nhiều nhà sản xuất vẫn trong vòng an toàn như Apple, Samsung và một số ít các nhà sản xuất OEM Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều tên tuổi một thời như Sony, HTC, LG và BlackBerry lại đang bị trật chân ra khỏi quỹ đạo của ngành công nghiệp di động. Kết quả không quá khó đoán khi lợi nhuận chẳng thấy đâu thậm chí còn thua lỗ trầm trọng.
Tuy nhiên, 2016 được coi sẽ là năm quyết định của nhiều nhà sản xuất. Nếu kinh doanh tốt sẽ thay đổi vận mệnh hoặc không nguy cơ bán mình là rất cao. Như lời của CEO Sony, ông Kazuo Hirai khẳng định nếu năm 2016, mảng di động Sony Mobile không có cải thiện so với hiện nay thì nguy cơ mảng này bị thay thế là có thể xảy ra.
4. Màn hình 4K không còn là một tiêu chuẩn "xa vời" trên smartphone
Chính xác là việc các nhà sản xuất sẽ không ngừng cải tiến smartphone qua từng năm và 4K là mục tiêu tiếp theo. Năm 2015 chứng kiến Sony cho ra mắt mẫu Xperia Z5 Premium có thể hiển thị độ phân giải 4K đầu tiên của hãng.
Năm 2016 hứa hẹn sẽ là một cuộc chạy đua nâng cấp cấu hình mới của các hãng sản xuất khác như Samsung, Xiaomi hoặc LG, nhằm chứng tỏ vị thế trên thị trường di động. Một trong những nâng cấp quan trọng nhiều khả năng sẽ là màn hình 4K. Nhưng đây mới chỉ là giả thuyết dựa trên chu kỳ nâng cấp hàng năm của các nhà sản xuất. Bởi lẽ việc đưa chất lượng hiển thị 4K lên màn hình không phải là điều đơn giản, chưa kể lợi ích từ màn hình 4k trên smartphone vẫn chưa có gì đáng lưu tâm.
Nếu chỉ đưa độ phân giải 4K lên màn hình cốt để phục vụ giải trí sẽ thực sự lãng phí, chưa kể chi phí sản xuất smartphone sẽ gia tăng không đáng có và thời lượng pin smartphone sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do vậy, các nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc khá kỹ càng trước khi đưa ra quyết định này.
5. Công nghệ cảm biến mở khóa bằng võng mạc phát triển rầm rộ
Có lẽ cũng đã khá nhanh kể từ khi người dùng làm quen với khái niệm cảm biến vân tay nhưng năm 2016 tới rất có thể, người ta sẽ phải tiếp tục làm quen nhiều hơn với công nghệ bảo mật bằng võng mạc. Hiện nay đã có khá nhiều các mẫu smartphone hỗ trợ công nghệ nhận dạng thông qua máy quét võng mạc nhưng con số không nhiều, đáng chú ý mới đây mẫu Lumia 950 có khả năng nhận diện bằng mống mắt thông qua tia hồng ngoại. Chính vì lẽ đó năm sau có thể sẽ là một năm bùng nổ của những mẫu smartphone trang bị công nghệ tiên tiến này.
Không bao lâu nữa, khi ra đường biết đâu chúng ta lại có thể thấy những hành động tưởng chừng như chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
6. Sạc siêu nhanh sẽ "đánh bại" cuộc đua cải tiến dung lượng pin
Nhiều thiết bị di động hiện nay đã sở hữu công nghệ sạc nhanh khá tiên tiến như Oppo Find 7, Galaxy S6,...Tuy nhiên, các nhà sản xuất dường như không ngừng cải tiến công nghệ giúp cho pin Li-Ion có thể sạc hết công suất tối đa.
Mới đây, Huawei cũng vừa cho ra mắt công nghệ sạc nhanh thế hệ mới cho phép sạc pin nhanh gấp 10 lần so với các công nghệ sạc thông thường khác. Với một viên pin dung lượng 600 mAh, công nghệ sạc nhanh giúp chỉ mất 2 phút để sạc đầy 68% dung lượng pin. Trong khi đó viên pin 3.000 mAh có thể sạc đầy 48% dung lượng chỉ sau 5 phút sạc.
Tất nhiên, những công nghệ là sạc nhanh luôn cho ra đời rất sớm, một phần bởi chi phí nghiên cứu không quá lớn so với nghiên cứu pin thế hệ mới, chưa kể công nghệ cải tiến pin vẫn đang dẫm chân tại chỗ.
7. Trợ lý ảo xử lý tình huống...như người
Nếu như ngày xưa, các trợ lý ảo chỉ làm được những tác vụ hết sức đơn giản trên điện thoại như trả lời các câu lệnh bằng giọng nói đơn giản, gọi điện, gửi emai, ghi chú,...thì tới năm sau, mọi thứ có thể sẽ khác biệt. Những cái tên như Google Now, Siri hay Cortana có thể sẽ thực sự trưởng thành hơn vào năm 2016 nhờ khả năng phản ứng theo ngữ cảnh xung quanh.
Dựa vào mô hình dữ liệu của thiết bị, trợ lý ảo trên điện thoại có thể thu thập thông tin và phản hồi, tư vấn lại ngay cả khi chủ nhân không yêu cầu. Trợ lý ảo sẽ nhắc nhở lịch hẹn cho bạn, ghi nhớ tuyến đường đi hàng ngày hay đơn giản tự gửi lời nhắn chúc mừng tới ai đó nhân ngày sinh nhật.
8. Thanh toán di động bùng nổ
Kể từ khi Apple khơi mào cuộc chiến thanh toán di động với dịch vụ Apple Pay, nhiều hãng đối thủ khác đã bắt đầu có lời đáp trả. Đầu tiên là dịch vụ thanh toán Samsung Pay, ban đầu chỉ có ở Hàn Quốc nhưng nay đã mở rộng ra nhiều thị trường. Không lâu sau đó, Google cũng giới thiệu Android Pay, dịch vụ thanh toán rộng mở cho tất cả smartphone Android. Không chịu thua kém, LG cũng mới vừa tung ra LG Pay, dịch vụ hợp tác với một số công ty thẻ tín dụng tại Hàn Quốc, thậm chí một hãng chuyên sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ mới đây cũng trình làng khả năng thanh toán di động thông qua chiếc đồng hồ "Swiss made" của họ.
Năm 2015 xuất hiện xu hướng thanh toán di động nhiều hơn nhưng chưa thực sự đạt điểm bùng nổ. Hy vọng bằng những công nghệ tiên tiến nhất, các nhà sản xuất sẽ tích hợp hệ thống thanh toán di động trên nhiều mẫu smartphone nữa trên thị trường, xa hơn là toàn bộ smartphone.
9. USB Type-C nổi đình đám
Đã từ lâu người ta nghĩ về một cái kết có hậu cho USB Type-C và điều này có thể sẽ xảy ra vào năm sau. USB Type-C mang nhiều tính năng mới và tiện dụng hơn rất nhiều cổng microUSB, USB OTG. Bên cạnh khả năng chuyển tải dữ liệu nhanh hơn, dòng sạc cao hơn, USB Type-C còn nổi bật ở tính năng kết nối. Với USB Type-C bạn sẽ chẳng cần phải lo phải đi ngắm nghía xem đầu sạc quay hướng nào để cắm sạc, chỉ đơn giản bởi vì nó hỗ trợ cả hai đầu sạc.
Mặc dù vậy, cổng USB Type-C có trở nên phổ biến hơn hay không còn phụ thuộc phần lớn vào quyết định của các nhà sản xuất.
10. Android sẽ trở thành nền tảng IoT và thiết bị di động phổ biến nhất
Thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến sự mở rộng của mảng màu xanh đại diện cho Android.
Nếu bạn lo lắng rằng, Android sẽ sớm bị soán ngôi ít nhất là trong năm sau, điều này sẽ khó có thể xảy ra. Theo hãng nghiên cứu IDC, Android vẫn sẽ giữ được vị thế của hãng ít nhất trong 5 năm tới, phần lớn nhờ doanh số bán smartphone của Samsung. Trong khi đó các nền tảng di động khác như iOS, Windows Phone và BlackBerry vẫn sẽ có chỗ đứng và hướng đi riêng cho mình vào năm sau.
">