20/11 không hoa của những người thầy ở trường giáo dưỡng
Trung tá Lưu Hồng Thanh,ônghoacủanhữngngườithầyởtrườnggiáodưỡbong Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) chia sẻ: 20/11 là dịp các thầy cô giáo cả nước, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, đón nhận những lời tri ân và tình cảm từ các thế hệ học trò.
Đó có khi đơn giản là học sinh đến thăm hỏi sức khỏe, chia sẻ, chuyện trò cùng bó hoa tươi, tấm thiệp chúc mừng hay một món quà tinh thần để bày tỏ lòng biết ơn với những người từng dạy dỗ. Hay với học trò tuổi mầm non, phụ huynh thay mặt hoặc dắt con đến lớp, tự tay tặng cô giáo một bông hoa nhỏ xinh cùng những lời chúc ngây thơ, như một cách giáo dục về truyền thống tôn sự trọng đạo.
"Còn đối với các thầy cô giáo ở trường giáo dưỡng như chúng tôi, niềm vui trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có chăng là những 'bông hoa' điểm 9, điểm 10, là tinh thần xung phong phát biểu hăng hái hơn ngày thường; là những tin nhắn, cuộc gọi thông báo các em về nhà đã đi học lại, hay tìm được công việc ổn định. Bao năm qua, chúng tôi vẫn luôn lấy đó là niềm vui, động lực để dành trọn tâm huyết cho công việc này”.
Trường Giáo dưỡng số 2 là một trong 3 trường giáo dưỡng thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an), tiếp nhận học sinh thuộc 28 tỉnh, thành miền Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Học sinh ở đây chủ yếu là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, vi phạm pháp luật, từ trộm cắp, gây rối trật tự, cướp tài sản tới hiếp dâm; vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, sử dụng trái phép ma túy, thậm chí giết người.
Trung tá Lưu Hồng Thanh cho biết, có thời điểm tới hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, đến từ các vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên công tác giảng dạy văn hoá cho các em tương đối vất vả. Rất nhiều học sinh khi mới vào trường không biết đọc, không biết viết, thậm chí không biết nói tiếng Kinh.
“Học sinh ở các trường phổ thông bên ngoài có ý thức học tập, rèn luyện và muốn học, việc dạy đã khó, huống chi học sinh của chúng tôi là những đứa trẻ nhận thức, suy nghĩ đôi phần còn sai lệch, hầu hết có tâm lý ngại học, lười học, thậm chí không cần học. Nếu hỏi, đa phần các em sẽ nói thích học nghề và đi lao động hơn, chứ không muốn học văn hóa”, thầy giáo chia sẻ.
Theo thầy Thanh, hầu như học sinh trường giáo dưỡng chỉ nhớ và nhận thức được ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một ngày đặc biệt trong năm bởi trong khuôn viên trường có băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền.
“Học sinh hăng hái phát biểu, đạt điểm tốt trong dịp này một phần cũng vì quyền lợi của chính các em (nếu kết quả học tập tốt, học sinh được khen thưởng và được giảm thời gian chấp hành tại trường giáo dưỡng - PV). Đối với thầy, cô ở trường giáo dưỡng, ngày 20/11, được nhận một bó hoa hay một tấm thiệp chúc mừng từ học trò vẫn là mơ ước. Khi ở trường, các em không có điều kiện; còn ra trường rồi, việc học sinh cũ quay lại tri ân thầy, cô ở trường giáo dưỡng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam là điều chưa từng có”, thầy Thanh bộc bạch.
Thầy tâm sự, cứ mỗi dịp 20/11, bản thân có đôi chút bùi ngùi. Điều những thầy cô giáo nơi đây thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp khác là không khí rộn ràng, ấm áp của những cuộc gặp gỡ, hàn huyên thầy trò, của tình cảm tri ân, chứ không phải về vật chất.
Thầy Thanh cho hay, thầy rất thấu hiểu nỗi niềm của cán bộ giáo viên nhà trường, bởi bản thân ông đã 22 năm làm việc tại đây. “Những năm công tác, tôi chưa từng nhận được hoa từ học trò trong dịp này. Hoa hay quà thực ra chỉ là biểu hiện bên ngoài, điều chúng tôi thật tâm mong muốn là sự ghi nhận, là lòng biết ơn chân thành của các thế hệ học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường với những nỗ lực, lo âu, trăn trở mà các thế hệ giáo viên của trường dành cho”, ông Thanh nói.
Song theo thầy Thanh, đặc thù của nghề dạy học cho trẻ từng vi phạm pháp luật tuy còn nhiều khó khăn, thầm lặng nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc. Điều vui nhất và có lẽ cũng là món quà ý nghĩa nhất trên hành trình “uốn lại những mầm xanh” của thầy cô giáo nơi đây là góp phần giúp các học sinh sau khi ra trường trở thành người lương thiện, có công ăn việc làm ổn định, sống có trách nhiệm với xã hội.