17h hôm nay (12/3), Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ lần đầu công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). PII được xây dựng dựa trên GII (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu), nhưng thu gọn lại để phù hợp với các địa phương. Mục tiêu là vẽ ra bức tranh tổng thể về mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Từ đó, các chính quyền sẽ tìm ra cách phù hợp để thúc đẩy kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh.
Thông tin xếp hạng PII các địa phương sẽ công bố tại đây
Trước Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng có chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Tháng 10/2019, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) lần đầu tiên công bố III - Chỉ số Đổi mới sáng tạo Ấn Độ (India Innovation Index).
Ấn Độnhiều năm qua vẫn coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho tăng trưởng và thịnh vượng. Họ thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo thông qua nhiều sáng kiến như Atal Innovation Mission, Startup India hay Make in India.
III - Chỉ số Đổi mới sáng tạo Ấn Độ ra đời với mục tiêu tạo ra công cụ tổng quát giúp đánh giá năng lực và tình hình đổi mới sáng tạo tại các địa phương. Từ đó, giới chức có thể nhận ra thách thức cần giải quyết và điểm mạnh cần tập trung khi thiết kế chính sách tăng trưởng kinh tế cho từng khu vực.
Chỉ số này được tính dựa trên điểm trung bình của 7 trụ cột - Nhân lực, Đầu tư, Lao động tri thức, Môi trường kinh doanh, Môi trường An toàn - Pháp lý, Thành quả Tri thức và Sức lan tỏa tri thức. Trong đó, 5 trụ cột đầu tiên được xếp vào nhóm Đầu vào (Input) và 2 trụ cột sau là nhóm Đầu ra (Output). Cách tính này tương tự GII.
Tuy nhiên, vì các địa phương của Ấn Độ có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ và diện tích, họ phải chia thành 3 nhóm để xếp hạng riêng, gồm Các bang lớn; Các bang phía Bắc và miền núi; Các bang nhỏ, thành phố và lãnh thổ liên minh.